Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

ĐI CHỢ NGÀY ÔNG TÁO



ĐI CHỢ NGÀY ÔNG TÁO

(Chuyện giờ mới kể)


Tháng giáp Tết, Đức Phu Nhân không may bị tai nạn giao thông. Hai cậu thanh niên vượt đèn đỏ tông vào, kéo văng cả bánh xe đạp. Hậu quả: tay phải bị bó bột, chân trái bị nẹp cứng, chờ bó bột tiếp và phải ngồi xe lăn. Họa vô đơn chí, đành phải đón Tết bằng chân nọ tay kia. Công việc nội trợ bất ngờ được giao lại cho BoBi tôi. Thế là, “cờ đến tay ai người ấy phất”. Quán xuyến việc nhà, cũng đơn giản: Sáng dậy sớm, quét sân, lau nhà, đi mua ăn sáng, trưa chiều nấu cơm, giặt giũ thì đã có máy. Tranh thủ lúc rỗi, mở vi tính lướt mạng. Blog thì tạm dừng để tập trung vào nhiệm vụ trung tâm đột suất theo sự chỉ đạo và giám sát Thủ trưởng, hihi. Sau bao nhiêu năm, tiềm năng “công dung ngôn hạnh” của BoBi tôi giống như khoáng sản quý được dấu kín trong lòng đất, nay được dịp phát lộ và phát huy hết tốc lực. Bà Xã ngồi đó, trên xe lăn ngắm chồng thao tác các công việc với kỹ năng khá điêu luyện, gật đầu khoái chí, tủm tỉm: Nào là động tác đưa chổi lau nhà nhịp nhàng như chèo đò; Nào là quét sân nhanh sạch như cào lúa sân phơi lúc chạy mưa; Nào là rửa bát, nồi niêu xoong chảo với mười ngón tay mềm mại uyển chuyển như liền chị làng quan họ,… Đặc biệt, vá áo, đơm cúc cho vợ với đường kim mũi chỉ chẳng kém cạnh gì các thiếu nữ thêu thùa tại xưởng XQ Sử quán Đà Lạt. Những việc trên đây coi như chuyện vặt, chuyện nhỏ như con thỏ. Khó nhất là phải đi chợ. Ngày thường thì dễ rồi, có thể gửi ai đó mua hộ vài thứ đơn giản, nhưng hôm nay là ngày quan trọng – Ngày Táo quân về trời, mọi việc phải trực tiếp ra tay, mới linh thiêng.

Sáu giờ sáng, bầu trời còn xám ngoét, gió lạnh vẫn rít qua khe cửa, Đức Phu Nhân từ trên xe lăn đã truyền chỉ:

- Anh ơi! Anh tranh thủ ra chợ mua mấy thứ để chuẩn bị làm lễ cúng ông Táo.

Hừ…, với tất cả các Đức Ông Chồng, đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Hàng chục năm trời, đúng ra từ khi may mắn lấy được vợ (may hơn khôn), thì BoBi tôi chẳng biết chợ búa là gì, mua bán ra sao, giá cả thế nào, nay lại phải tung tăng shopping. Nhưng “lệnh” đã ban, không thể trái, nên tỏ ra tự tin:

- Anh sẽ mua đầy đủ theo Ọc-đơ của em

- Nghe em dặn đây: Những thứ cần mua em đã kê đầy đủ trong giấy này. Anh cứ thế mà mua. Chú ý cẩn thận, rất dễ nhầm mệnh giá các đồng bạc giống nhau, tiền luôn để túi ngực phía trong áo rét để tránh bị mất cắp,…

- Hay là đưa anh cái túi vải đựng tiền của em, để nhét vào trong cạp quần, thỉnh thoảng móc ra trả tiền, trông cho nó hoành tráng.

- Em không đùa đâu,

- Em căn dặn nhiều quá, tỉ mỉ quá, chứng tỏ chưa tin tưởng toàn diện và tuyệt đối vào Đức Ông Chồng yêu quý của mình.

- Dặn thế mà vẫn tai nọ xọ tai kia đấy. Các anh ra chợ trông ngu ngơ như bò đội nón. Lại nhỡ gặp em nào xinh đẹp tiếp thị dẻo quẹo, thế là vung tay quá trán ngay. Gương các bạn anh đấy.

- Em yên tâm, không phải giáo huấn, quán triệt nhiều. Mọi việc đâu sẽ vào đấy, chính xác đến từng milimet.

Nói mạnh thế thôi, chứ trên đường ra chợ, tay xách làn, tay xách xô nước, đầu suy nghĩ lung tung. Phu Nhân nhắc đến gương mấy ông bạn vàng quả là không oan: Đó là ông bạn ở Hà Nội thanh lịch, mỗi lần nổi hứng đi mua sắm gì thì bà vợ chân dép chân không tất tưởi bỏ hết việc cơ quan lon ton chạy theo bám sát, kèm cặp, chỉ dẫn, thuyết minh,… nếu không thế nào ông chồng kính yêu cũng vác đồ rởm về với giá cắt cổ. Rồi ông bạn giám đốc, quê Miền Trung ruột thịt, một lần ra HN công tác, vào cửa hàng mua giầy uy-nic mõm nhái, gặp đúng một nàng duyên dáng tiếp thị, đôi môi đỏ chót, nụ cười hình trái tim, giọng ngọt như mía lùi. Đang định cởi dép thử giầy thì nàng bảo: - Không phải thử, em ngắm chân anh rồi, vừa in, đôi giầy này hình như là đóng cho riêng anh, vừa đẹp vừa mốt. Được lời như cởi tấm lòng, ông bạn khấp khởi huýt sáo và trả tiền, lại hào phóng tặng luôn tiền thừa. Về đến trong quê, xỏ chân vào không được vì giầy quá chật. Vợ đứng bên cạnh hỏi: - Khi mua anh không đi thử à. Rất nhanh trí, anh bạn nhìn vợ âu yếm và nhỏ nhẹ: - À, đây là giầy của BoBi mua, gửi xe anh, lúc về quên không đưa lại… Một tháng sau, ông bạn lại ra công tác Hà Nội và trân trọng kính tặng đồng chí BoBi đôi giầy, người đã có công làm lá chắn, cứu cho bạn khỏi bị truy cứu hình sự, hihi.

Đúng ra đây là lần thứ hai, BoBi tôi được giao nhiệm vụ chợ búa này. Lần trước lâu lắm rồi, cái thời bao cấp, thời “xảy nhà ra mậu dịch”, khắp nơi ngăn sông cấm chợ. Một hôm vợ do bận gì đột xuất, nên giao cho BoBi tôi ra chợ tìm mua một mớ cá.

Đi một lúc, về tay không, bảo vợ:  

- Không có cá, chỉ toàn là mông.

Vợ ngỡ ngàng:

- Anh không lại chỗ bán cá à.

- Có lại, nhưng chỉ thấy toàn mông.

- Anh nói em chả hiểu gì cả. Bán cá sao toàn thịt mông?

- Cả chợ chỉ có một bà bán cá, nhưng có khoảng năm sáu cô xúm vào xung quanh, giành nhau mặc cả. Tất cả đều chúi đầu vào rổ cá bé tẹo, mông chổng ra, người đến sau chỉ nhìn toàn thấy mông. Chẳng nhẽ anh cũng chúi đầu vào…Vợ ngán ngẩm không thể nói được gì.


Đi chợ lần này. BoBi tôi đã có một số kinh nghiệm do vài ông bạn truyền lại: - Một là: Bước đi khoan thai, không vội vàng, quan sát từ xa để xác định phương pháp tiếp cận các sạp hàng phù hợp, tỏ ra là mình không dễ bị lừa. - Hai là: Thứ mình cần mua mà đang có nhiều người mua thì quá thuận lợi, chờ mọi người mua xong, mình đưa tiền mua tiếp, khỏi phải mặc cả. - Ba là: Thứ hàng chỉ có một mình mua  cũng không nên mặc cả, ưng thì đưa tiền lấy ngay. Cò kè dăm ba ngàn thì rất dễ bị ăn đặc sản. (bạn của BoBi một lần đã bị bội thực do đặc sản của một cô bán cá vung ra tứ tung, một tuần sau vẫn còn ú ớ như người phải gió, hề hề). - Bốn là: Nhớ lời vàng ý ngọc của vợ: nâng cao tinh thần cảnh giác với các cô bán hàng xinh tươi, giọng nói ngọt ngào dễ thương, (luôn lấy tấm gương của hai ông bạn vàng nói trên để răn mình).

Với tổng kết có tính cẩm nang như vậy, BoBi tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực hiện đúng “Ý Chỉ”. Hài lòng nhất là ba con cá chép mầu vàng. Nổi hứng, Phu Nhân ban lời khen và lim dim mắt mơ màng:

- Ba con cá rất đẹp, quẫy mạnh, khỏe khoắn, sẽ chở ông Táo lướt nhanh đến Thiên Đình, chắc Ngọc Hoàng vui và ban thưởng. Sau đó về vượt Vũ Môn để hóa Rồng.

- Ôi, em đang mơ ngủ à? Toàn là lời hay ý đẹp!

- Em nói thế không đúng à?

- Đúng thì có đúng, nhưng sai thì rất sai.

- Sao rắc rối lôi thôi thế?

- Táo Quân nhà mình là Táo Thảo Dân, vẫn mốt cổ xưa: đội mũ đi hia chẳng mặc quần, cưỡi cá chép chậm rề rề, đường đông tắc nghẽn, bò được lên đến nơi cho có mặt đã là quý rồi, mong gì được Ngọc Hoàng tiếp.

- Thế không trình sớ à?

- Trình sớ là nói cho có vẻ là bản sắc dân tộc, chứ có ai đọc. Sớ năm nào chả giống nhau trừ ngày tháng năm. Nội dung đã được sửa chữa, xét duyệt cận thận. Những gì  còn gọi là tồn tại, bất cập đều do dân gây ra, như tai nạn giao thông nhiều là do dân đi không đúng luật. Các nhà máy thủy điện xả lũ bao giờ cũng đúng quy trình, chỉ dân bất ngờ bị nước cuốn trôi là chết không đúng quy trình, vân vân…

- Thế Táo Quan chức, đại gia cũng thế à?

- Táo Quan chức, đại gia thì com-lê, cà-vạt chỉnh tề, phóng vút lên trời bằng các con “mẹc”. Không mang sớ mà mang phong bì nặng chĩu. Đây là thời văn hóa phong bì lên ngôi, “cái nước mình nó thế”.

Mới nghe diễn giải sơ qua, Phu Nhân đã sực tỉnh:

- Thôi, không cần nghĩ lung tung nữa, anh sửa soạn sắp xếp các thứ cẩn thận để kịp thắp hương cúng, xong rồi mang cá thả xuống sông Hồng, cũng chẳng cần vượt Vũ Môn hóa Rồng, tiền đâu mà “lop-bi”.

- Em thật tuyệt vời, nhận thức rất nhanh. Đang đau chân, đau tay thế mà đầu óc vẫn không bị lú lẫn.

Sau khi khen Đức Phu Nhân, BoBi tôi lại lao vào công việc “tề gia” một cách say sưa, để chuẩn bị đón một cái Tết vui vẻ, mong năm mới tay chân của Phu Nhân mau lành, tai qua  nạn khỏi, gia đình mọi sự như ý. hihi










  


--> Read more..

Flags

Flag Counter