Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

TRĂNG NỞ NỤ CƯỜI



BOBI: Một trong những nhà thơ lục bát mà BOBI tôi rất thích đó là nhà thơ Lê Đinh Cánh. Ông từng có bài thơ “Mẹ ra Hà Nội” được in trong sách giáo khoa phổ thông. Vừa rồi BOBI tôi tình cờ đọc được bài thơ “Trăng nở nụ cười” của ông viết về Chí Phèo – Thị Nở. Bài thơ rất hay. BoBi tôi xin đưa lên Blog cùng với lời bình của  Phạm Ngọc Thái để mọi người thưởng thức và bình luận tiếp. 

 

                            (Chí Phèo - Thị Nở. Ảnh chụp tại vườn chuối Phủ Thành Chương)
             

TRĂNG NỞ NỤ CƯỜI
        

Đâu Thị Nở, đâu Chí Phèo,
Đâu làng Vũ Đại đói nghèo Nam Cao ???
Vẫn vườn chuối gió lao xao
Sông Châu vẫn chảy nôn nao mạn thuyền…
Ả ngớ ngẩn. Gã khùng điên.
Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người!
Vườn xuông trăng nở nụ cười
Phút giây tan chảy vàng mười trong nhau.
Giữa đời vàng lẫn với thau
Lòng tin còn chút về sau để dành
Tình yêu nên vị cháo hành
Đời chung bát vỡ thơm lành lứa đôi!
.                                            Lê Đình Cánh


Lời bình của Phạm Ngọc Thái
Vào một đêm trăng. Gã Chí Phèo đi ăn vạ về say khướt vì rượu, khật khưỡng qua vườn chuối. Ả Thị Nở dở người đang nằm ngủ say sưa ở đó. Gió đêm từ bờ sông thổi về mát rượi. Ánh trăng dọi xuống soi lên người ả, trật cả chiếc yếm cùng lớp da trắng hởn. Chí Phèo, một gã điên khùng từ lâu đã tưởng không còn ý thức gì về sự vui thú, bỗng lúc này lòng khát khao được sống đầy đủ lại bùng lên trong gã? Gã mê man nhìn Thị Nở và tiến đến… Thế rồi, cả người gã đè lên thân thể ả. Ả kêu, nhưng Chí Phèo lại còn kêu to hơn| Thì trong làng, ngoài nước, ai còn lạ gì cái thằng Chí Phèo hay ăn vạ? Nên nghe tiếng kêu của gã chẳng ai buồn đến. Mới lại, tiếng kêu của Thị Nở cũng chỉ là tiếng kêu của một mụ đàn bà đang thỏa mãn, thích thú vì… được yêu! Để rồi sau đó, người ta nghe thấy cả hai giọng cười sung sướng đã phát ra từ cái vườn chuối ấy…
Gặp lại vườn chuối xưa, trong một chuyến về thăm quê hương của cố nhà văn Nam Cao – Ở làng Đại Hoàng ( tức làng Vũ Đại trong chuyện ), thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Vẫn bên con sông Châu ngày đêm thao thiết chảy. Tâm hồn nhà thơ Lê Đình Cánh đã rung lên. Cứ như anh đang hồi tưởng lại một tình sử nào đó, chứ không phải là cuộc tình của ”Ả ngớ ngẩn. Gã khùng điên. “ kia!? Cảnh quê trong thơ anh trào ra bồi hồi, tha thiết:
Vẫn vườn chuối gió lao xao
Sông Châu vẫn chảy nôn nao mạn thuyền…
Đó chính là cảm tác dẫn dắt nhà thơ viết lên “Trăng nở nụ cười ” này. Anh không đi vào diễn tả tấn bi kịch xã hội như trong chuyện Chí Phèo, chỉ xoay quanh cuộc tình trăng gió… mà đề cập về giá trị tình yêu đối với đời sống con người.
Nếu đoạn thơ đầu mới chỉ là cảm xúc khi nhà thơ gặp lại tình và cảnh cũ – Thì sang đoạn thứ hai, đoạn thơ cốt lõi, trung tâm của toàn bài. Tác giả đã khoáy sâu vào  để khẳng định về chân giá trị của tình yêu ấy:
Ả ngớ ngẩn. Gã khùng điên.
Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người!
Hai chữ “thành người” ở đây có thể hiểu: Tình yêu đã biến đổi kẻ xấu trở nên người tốt, ác hóa thiện, thằng điên loạn Chí Phèo trở nên hiền lành, ả ngớ ngẩn dở hơi như Thị Nở cũng thành phúc thảo, thiết tha. Đó chính là ý nghĩa hoàn lương sâu sắc của tình yêu gái trai, trong mối quan hệ xã hội và con người. Đọc đến câu thơ:
Vườn xuông trăng nở nụ cười…
Ta thấy rõ thái độ cảm đồng của nhà thơ về cuộc tình Thị Nở – Chí Phèo đó. Thời ấy, tầng lớp thống trị đã đẩy chúng ra khỏi lề cuộc sống như một quái thai. Một cuộc tình không luật pháp công nhận. Ấy vậy mà, với tính chân thiện và lương tri… nhà thơ đang ca ngợi chúng. Hai chữ ” vườn xuông…” mà thật đầy hương vị. Cả đến bóng trăng còn… ” nở nụ cười” . Cảnh tình trở nên huyền ảo, rung rinh.
Phút giây tan chảy vàng mười trong nhau…
Cùng với câu thơ: Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người! - Tạo thành hai câu thơ hay nhất bài.
” Tan chảy vàng mười trong  nhau…” là thứ vàng thực sự của lương tri, thảo thơm và thanh khiết tựa thiên thai. Là một tình yêu không vụ lợi, không tính toán.  Chúng trao nhau hết thảy, trái tim cùng thể xác lẫn linh hồn. Tình yêu ấy tự nguyện và khát vọng!
Bài thơ viết theo thể lục bát được chia ngắt làm ba đoạn, mỗi đoạn bốn câu, chuyển đoạn là chuyển tứ. Các tứ tuy vẫn nhất quán trong chủ đề tình yêu, nhưng được phát triển từ chuyện đến đời một cách khái quát, hàm súc.
Đoạn thơ cuối được tác giả đúc rút ra qua thực tiễn, những ý nghĩa về tình yêu – cuộc sống:
Giữa đời vàng lẫn với thau
Lòng tin còn chút về sau để dành
Tình yêu nên vị cháo hành
Đời chung bát vỡ thơm lành lứa đôi!
Ngẫm ra: thì đời nào, thời buổi nào… “vàng lẫn với thau “ cũng có. Nhưng anh vẫn tin, lòng tin ấy không đặt vào bất cứ một giá trị vật chất nào, mà vào tình yêu của trái tim! Chỉ có “tình yêu trái tim” mới đầy đủ khả năng hoàn thiện, dẫn dắt nhân tính con người cùng xã hội tốt đẹp hơn! Đó chính là nhân sinh quan của nhà thơ và cũng là tính nhân bản trong thi ca. Khi ta đã có một tình yêu thực sự trong nhau… thì:
Đời chung bát vỡ thơm lành lứa đôi!
Bài thơ “Trăng nở nụ cười” đã được kết thúc ở đó, một cách rất… “hương vị cháo hành”, mà thấm đầm nghĩa tình chốn nhân gian.
P.N.T

8 nhận xét:

  1. Bài thơ thật hay. Từng câu từng câu đều nhẹ nhàng, mềm mại, thấm đẫm tình người và chân lý cuộc sống.
    Cảm ơn bác NaNo đã chia sẻ để mọi người cùng thưởng lãm.

    Trả lờiXóa
  2. Bác Nano BOBI à
    1-Bu tui vào http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_333_27705.html thì bất ngờ gặp lại còm của bu vào blog Zà hu của bác cái thuở nảo thuở nào. Ông Tiến sĩ Hoàng Kim có blog HỌC MỖI NGÀY cóp bài này về… thế rồi trang http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_333_27705.html cóp lại của HỌC MỖI NGÀY hihihi….Đúng là quả đất tròn và bu tui với bác có duyên nợ chi đây
    2- Lời bình của Phạm Ngọc Thái về bài TRĂNG NỞ NỤ CƯỜI là đầy đủ khỏi phải thêm gì vào nữa. Bu chép lại bài dưới đây để tỏ lòng ngưỡng mộ nhà nhơ lục bát tài năng quê Thanh Hóa, gốc gác là ông giáo dạy vật lí… hihi


    Lê Đình Cánh

    May mà Huế ở Thừa Thiên
    Kinh kỳ thuở trước còn nguyên cổ thành
    Tháp xưa còn tiếng chuông lành
    Tường rêu còn nhuộm sứ sành sắc lam.

    May mà Huế ở trời Nam
    Còn câu đối cũ dựng am sách nghèo
    Nhà vườn còn gác trăng treo
    Còn diều khuê các bơi chèo gió xanh.

    Nếu mà Huế ở xứ Thanh
    Lầu son ngói nát, Cổ thành gạch tan
    Hán Nôm nghìn tuổi thành than
    Nền xưa dấu cũ hoang tàn nắng mưa.

    (Chọn từ blog của bác BiBo
    http://blog.360.yahoo.com/blog-v97aU78_Y7J4qXdrf8kq?p=112#comments)

    Lời bình của Bulukhin:
    Lê Đình Cánh là một trong những nhà thơ mà tôi yêu thich. Trong khi lục bát Đồng Đức Bốn xuất thần, bạo liệt, có lúc bụi bặm... Lục bát Nguyễn Duy tài hoa mà hóm hỉnh, thì lục bát Lê Đình Cánh cứ rỉ rả mà thâm trầm sâu cay. Thọ Xuân là quê ông,"May mà" là bài thơ ông nói về quê mình?? Ở đó có Lam Kinh, một khu di tích rộng khoảng 30 ha ở xã Xuân Lam. Lam Kinh có đến 14 công trình di tích như Ngọ môn, Sân rồng, Chính điện Lam Kinh, Khu thái miếu triều Lê sơ, Lăng mộ các vua và hoàng hậu, Vĩnh lăng, Bia Vĩnh Lăng, Hựu lăng, Chiêu lăng, Dụ lăng, Kinh lăng, Khu đền thờ Lê Lợi, Khu đền thờ Lê Lai, Đền thờ Bố Vệ. Nhà nước đã bỏ ra vô số công sức và tiền của để tôn tạo phục chế lại Lam Kinh nhưng rồi không hiểu sao vong linh các vua Lê cứ hỏi nhau nơi đây là đâu nhỉ? Có phải là Lam Kinh vàng son trên đất Thọ Xuân không? Lê Đình Cánh làm thơ chứ không làm vua nên ông không hỏi thế. Mà hỏi ai? và ai trả lời? ông chỉ hú vía thốt lên "may mà" nghe sao mà ai oán.

    May mà Huế ở Thừa Thiên
    Kinh kỳ thuở trước còn nguyên cổ thành

    Đọc đến đó chưa ai hiểu nhà thơ nói gì. Thì Huế vẫn còn cho nên Unesco mới phong tặng danh hiệu Di sản văn hoá của nhân loại chứ sao. Tiếp theo tác giả vẫn tiếp tục rỉ rả với cố đô Huế

    May mà Huế ở trời Nam
    Còn câu đối cũ dựng am sách nghèo
    ...
    ...
    Thế rồi đột ngột như cầu thủ nhà nghề phạt trực tiếp 11 mét. Tác giả cho bóng vào gôn

    Nếu mà Huế ở xứ Thanh
    Lầu son ngói nát cổ thành gạch tan

    Lê Đình Cánh tuyệt nhiên không nói đến Lam Kinh, vì sao vậy? vì Xứ Thanh là phát tích nhiều triều đại vua chúa chứ đâu chỉ có các đời vua thời hậu Lê. Có lẽ những Lê Hoàn, những chúa Trịnh, chúa Nguyễn rồi vua Nguyễn cũng không còn lăng tẩm mà về vì hậu duệ thời a còng đang làm cái việc gọi là duy tu và tôn tạo các di tích lich sử và văn hoá...

    Nguồn từ Blog HOCMOINGAY

    Trả lờiXóa
  3. Bài thơ của lê Đình Cánh hay, lời bình trong entry và của bác Bu cũng rất tuyệt. Cám ơn bác BoBi đã post bài :-)))

    Trả lờiXóa
  4. Ả ngớ ngẩn, gã khùng điên
    Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người!

    Thơ lục bát của Lê Đình Cánh hay quá và đậm chất nhân văn. Cảm ơn bác Bobi đã sưu tầm được bài viết hay!

    Trả lờiXóa
  5. Em nói thiệt lòng là lúc em đọc bài thơ, em thấy cũng bình thường. Em biết nói vậy sẽ ...không hay vì mọi người sẽ nghĩ em này nọ. Nhưng đó là cảm xúc đầu tiên của em khi đọc bài thơ này.
    Nhưng khi đọc xong lời bình thơ, tự dưng lại thấy bài thơ trở nên duyên lạ. Đọc ngược lại, tự dưng lại thấy bài thơ nó hay. Em chả biết sao vậy nữa. Nhiều khi, cái hay của những nhà bình thơ là vậy đó chú Nano hén !

    Hồi đó, em không mê thơ đâu. nhưng lại thích đọc quyển Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân. Đọc mấy lời bình, em mê lắm, cứ như thấy mọi thứ trong từng câu chữ ngắn gọn kia trở nên đầy sức sống.

    Trả lờiXóa
  6. Bài thơ hay, bài bình cũng sâu sắc. Tuy nhiên- vuonf chuối "lao sao" thì nghe không thực.

    Trả lờiXóa
  7. Đến lượt Na No nở nụ cười đi thôi. Từ 28.4.2014 đến nay 8.2.2015 đã gần một năm rồi hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chú Nano đi chu du nắm bắt tình hình thiên hạ rùi chú Bu ui !

      Xóa

Flags

Flag Counter