Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

TRĂNG NỞ NỤ CƯỜI



BOBI: Một trong những nhà thơ lục bát mà BOBI tôi rất thích đó là nhà thơ Lê Đinh Cánh. Ông từng có bài thơ “Mẹ ra Hà Nội” được in trong sách giáo khoa phổ thông. Vừa rồi BOBI tôi tình cờ đọc được bài thơ “Trăng nở nụ cười” của ông viết về Chí Phèo – Thị Nở. Bài thơ rất hay. BoBi tôi xin đưa lên Blog cùng với lời bình của  Phạm Ngọc Thái để mọi người thưởng thức và bình luận tiếp. 

 

                            (Chí Phèo - Thị Nở. Ảnh chụp tại vườn chuối Phủ Thành Chương)
             

TRĂNG NỞ NỤ CƯỜI
        

Đâu Thị Nở, đâu Chí Phèo,
Đâu làng Vũ Đại đói nghèo Nam Cao ???
Vẫn vườn chuối gió lao xao
Sông Châu vẫn chảy nôn nao mạn thuyền…
Ả ngớ ngẩn. Gã khùng điên.
Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người!
Vườn xuông trăng nở nụ cười
Phút giây tan chảy vàng mười trong nhau.
Giữa đời vàng lẫn với thau
Lòng tin còn chút về sau để dành
Tình yêu nên vị cháo hành
Đời chung bát vỡ thơm lành lứa đôi!
.                                            Lê Đình Cánh


Lời bình của Phạm Ngọc Thái
Vào một đêm trăng. Gã Chí Phèo đi ăn vạ về say khướt vì rượu, khật khưỡng qua vườn chuối. Ả Thị Nở dở người đang nằm ngủ say sưa ở đó. Gió đêm từ bờ sông thổi về mát rượi. Ánh trăng dọi xuống soi lên người ả, trật cả chiếc yếm cùng lớp da trắng hởn. Chí Phèo, một gã điên khùng từ lâu đã tưởng không còn ý thức gì về sự vui thú, bỗng lúc này lòng khát khao được sống đầy đủ lại bùng lên trong gã? Gã mê man nhìn Thị Nở và tiến đến… Thế rồi, cả người gã đè lên thân thể ả. Ả kêu, nhưng Chí Phèo lại còn kêu to hơn| Thì trong làng, ngoài nước, ai còn lạ gì cái thằng Chí Phèo hay ăn vạ? Nên nghe tiếng kêu của gã chẳng ai buồn đến. Mới lại, tiếng kêu của Thị Nở cũng chỉ là tiếng kêu của một mụ đàn bà đang thỏa mãn, thích thú vì… được yêu! Để rồi sau đó, người ta nghe thấy cả hai giọng cười sung sướng đã phát ra từ cái vườn chuối ấy…
Gặp lại vườn chuối xưa, trong một chuyến về thăm quê hương của cố nhà văn Nam Cao – Ở làng Đại Hoàng ( tức làng Vũ Đại trong chuyện ), thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Vẫn bên con sông Châu ngày đêm thao thiết chảy. Tâm hồn nhà thơ Lê Đình Cánh đã rung lên. Cứ như anh đang hồi tưởng lại một tình sử nào đó, chứ không phải là cuộc tình của ”Ả ngớ ngẩn. Gã khùng điên. “ kia!? Cảnh quê trong thơ anh trào ra bồi hồi, tha thiết:
Vẫn vườn chuối gió lao xao
Sông Châu vẫn chảy nôn nao mạn thuyền…
Đó chính là cảm tác dẫn dắt nhà thơ viết lên “Trăng nở nụ cười ” này. Anh không đi vào diễn tả tấn bi kịch xã hội như trong chuyện Chí Phèo, chỉ xoay quanh cuộc tình trăng gió… mà đề cập về giá trị tình yêu đối với đời sống con người.
Nếu đoạn thơ đầu mới chỉ là cảm xúc khi nhà thơ gặp lại tình và cảnh cũ – Thì sang đoạn thứ hai, đoạn thơ cốt lõi, trung tâm của toàn bài. Tác giả đã khoáy sâu vào  để khẳng định về chân giá trị của tình yêu ấy:
Ả ngớ ngẩn. Gã khùng điên.
Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người!
Hai chữ “thành người” ở đây có thể hiểu: Tình yêu đã biến đổi kẻ xấu trở nên người tốt, ác hóa thiện, thằng điên loạn Chí Phèo trở nên hiền lành, ả ngớ ngẩn dở hơi như Thị Nở cũng thành phúc thảo, thiết tha. Đó chính là ý nghĩa hoàn lương sâu sắc của tình yêu gái trai, trong mối quan hệ xã hội và con người. Đọc đến câu thơ:
Vườn xuông trăng nở nụ cười…
Ta thấy rõ thái độ cảm đồng của nhà thơ về cuộc tình Thị Nở – Chí Phèo đó. Thời ấy, tầng lớp thống trị đã đẩy chúng ra khỏi lề cuộc sống như một quái thai. Một cuộc tình không luật pháp công nhận. Ấy vậy mà, với tính chân thiện và lương tri… nhà thơ đang ca ngợi chúng. Hai chữ ” vườn xuông…” mà thật đầy hương vị. Cả đến bóng trăng còn… ” nở nụ cười” . Cảnh tình trở nên huyền ảo, rung rinh.
Phút giây tan chảy vàng mười trong nhau…
Cùng với câu thơ: Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người! - Tạo thành hai câu thơ hay nhất bài.
” Tan chảy vàng mười trong  nhau…” là thứ vàng thực sự của lương tri, thảo thơm và thanh khiết tựa thiên thai. Là một tình yêu không vụ lợi, không tính toán.  Chúng trao nhau hết thảy, trái tim cùng thể xác lẫn linh hồn. Tình yêu ấy tự nguyện và khát vọng!
Bài thơ viết theo thể lục bát được chia ngắt làm ba đoạn, mỗi đoạn bốn câu, chuyển đoạn là chuyển tứ. Các tứ tuy vẫn nhất quán trong chủ đề tình yêu, nhưng được phát triển từ chuyện đến đời một cách khái quát, hàm súc.
Đoạn thơ cuối được tác giả đúc rút ra qua thực tiễn, những ý nghĩa về tình yêu – cuộc sống:
Giữa đời vàng lẫn với thau
Lòng tin còn chút về sau để dành
Tình yêu nên vị cháo hành
Đời chung bát vỡ thơm lành lứa đôi!
Ngẫm ra: thì đời nào, thời buổi nào… “vàng lẫn với thau “ cũng có. Nhưng anh vẫn tin, lòng tin ấy không đặt vào bất cứ một giá trị vật chất nào, mà vào tình yêu của trái tim! Chỉ có “tình yêu trái tim” mới đầy đủ khả năng hoàn thiện, dẫn dắt nhân tính con người cùng xã hội tốt đẹp hơn! Đó chính là nhân sinh quan của nhà thơ và cũng là tính nhân bản trong thi ca. Khi ta đã có một tình yêu thực sự trong nhau… thì:
Đời chung bát vỡ thơm lành lứa đôi!
Bài thơ “Trăng nở nụ cười” đã được kết thúc ở đó, một cách rất… “hương vị cháo hành”, mà thấm đầm nghĩa tình chốn nhân gian.
P.N.T
--> Read more..

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

HÀNH KHÚC TUYÊN GIÁO



BOBI: Sáng nay lướt Web, thấy trong trang Viet-Studies có đăng bản nhạc “Hành khúc Tuyên giáo của Đảng”. Mình không biết nhạc nên không thể xướng âm, nhưng chỉ đọc lời đã thấy sướng rơn người. Giờ trong trang của Bọ Lập cũng đưa lại hành khúc này. Thế là BB không thể không cop nguyên văn về đây để mọi người cùng đọc. Những người biết nhạc như Bu tiên sinh có thể vừa hát vừa đệm đàn ghi ta, rất vui và cũng kết hợp nâng cao lập trường tư tưởng, hihi

Hành khúc Tuyên giáo của Đảng
Nguyễn Quang Lập

Vào FB bác Nguyễn Văn Tuấn, thấy bác khoe vừa sưu tầm được một bài hát thú vị :" Hành khúc tuyên giáo của Đảng" nhạc Tự  Đức, lời Phạm Kỷ. Chẳng biết Tự Đức, Phạm Kỷ là ai mà tài quá là tài!
Lời bài hát như vầy :
Ngành Tuyên giáo tình mênh mông như sông dài
Ngành tuyên giáo luôn khắc ghi lời Bác
Dù khó khăn cũng sát cánh bên nhau
Luôn phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang
Lấy ánh sáng Mác Lê Nin soi đường
Có đảng quang vinh ngời sáng búa liềm...
Ơ ơ ơ... Ngành Tuyên giáo đi dài theo đất nước
Vượt suối sâu đèo cao bao vực thẳm
Dân giàu nước mạnh đảng càng tin yêu
Đảng đã trao ngọn lửa hồng trong tim,
 Như màu xanh từ đất đã vươn lên
Trong gian khó niếm tin luôn vững vàng
 Có Đảng Bác chúng ta đi
Sáng ngời chân lý... ngành Tuyên giáo Vinh quang!

Bài hát đây nè:

Thật tuyệt vời. Từ nay các ngành nghề khác khỏi cần phải thuê nhạc sĩ sáng tác ngành ca nữa. Chỉ cần thay hai chữ Tuyên giáo bằng tên ngành nghề của mình là xong, khỏe. Ví dụ Ngành Y tế tình mênh mông như sông dài... Ngành Văn hóa tình mênh mông như sông dài... Ngành Giáo dúc tình mênh mông như sông dài... Ngành Thúy lới tình mênh mông như sông dài... Ngành Điên Lức tình mênh mông như sông dài...

Sau đây là bài hát: Hành khúc nghề móc cống:
 Nghề Móc cống tình mênh mông như sông dài/ Nghề Móc cống luôn khắc ghi lời Bác/ Dù khó khăn cũng sát cánh bên nhau/ Luôn phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang/Lấy ánh sáng Mác Lê Nin soi đường/ Có đảng quang vinh ngời sáng búa liềm...Ơ ơ ơ... Nghề Móc cống đi dài theo đất nước/
Vượt suối sâu đèo cao bao vực thẳm/ Dân giàu nước mạnh đảng càng tin yêu/ Đảng đã trao ngọn lửa hồng trong tim/ Như màu xanh từ đất đã vươn lên/ Trong gian khó niếm tin luôn vững vàng
 Có Đảng Bác chúng ta đi/ Sáng ngời chân lý... nghề  Móc cống Vinh quang!

He he!
--> Read more..

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

ĐỒNG CHÍ NGÔ THÌ NHẬM

 BOBI: Blog Quê Choa phát hiện trên FB Hoa Thanh Quế có chụp được một tấm biển ghi Tiểu sử Đồng chí Ngô Thì Nhậm. Hihi
Thật là tuyệt vời. Chắc đây phải là bí mật tuyệt đối của Ban Tổ chức, nay mới được giải mã, nhưng không nói rõ đồng chí Nhậm từng sinh hoạt ở Chi bộ, Đảng bộ nào. Như vậy vẫn còn nhiều bí mật, hề hề. 
Vậy BOBI copy về đây để mọi người cùng chung vui bất ngờ này, không loại trừ có thể có Blogger nào đó sinh hoạt cùng chi bộ...



--> Read more..

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

ĐƯỜNG CONG CONG



BOBI: Thời gian qua cư dân của tuyến đường Trường Chinh – Hà Nội rất bức xúc và đang khiếu nại về đoạn đường Trường Chinh đang thẳng tắp  theo đúng quy hoạch đã được Thủ tường phê duyệt từ tháng 6/2008, nay bỗng dưng khi thi công lại bị uốn cong đột ngột. Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc, không hiểu có làm sáng tỏ được gì ???. Hàng ngày mình có việc đi qua đoạn cong kỳ quái phản khoa học này mà thấy thật phản cảm. Đồng tiền thời nay không chỉ “đâm toạc tờ giấy” mà chính luật pháp đã bị nhóm lợi ích chà đạp một các trắng trợn không thương tiếc. Đang định viết một bài đưa lên Blog thì bác Hiệu Minh đã viết một bài rất hay có tiêu đề “Thư của ông Trường Chinh gửi hậu thế”. BOBI tôi xin cóp lại để mọi người cùng đọc

Thư của ông Trường Chinh gửi hậu thế
Hiệu Minh
Thưa quí vị !
Tôi rời bỏ thế giới này đã được 26 năm, nghĩ mình đã yên nghỉ nơi xa vắng. Nhưng mấy hôm nay, tôi bỗng hắt hơi liên tục. Hóa ra, dân cả nước đang bàn về con đường mang tên Trường Chinh, chính là tên tôi.
Đi làm cách mạng từ nhỏ, tôi luôn coi xây dựng chủ nghĩa cộng sản là mục tiêu tối thượng, lấy tên Trường Chinh vì nghĩ con đường Mác Lê này sẽ dài vô tận. Qua nửa thế kỷ, giữ rất nhiều chức vụ, từ TBT đến chủ tịch QH, chủ tịch HĐBT, bao nhiêu trọng trách, tới lúc tôi mất, vẫn còn chế độ tem phiếu, dân toàn ăn bo bo nhập từ Liên Xô và Đông Âu, nơi người ta cho bò ăn.
Có lẽ vì thế mà TBT Trọng nói không sai, xây dựng CNXH là một cuộc trường chinh, cả trăm năm chưa chắc đã xong. Nếu quí vị còn nhớ, năm 1934-1935,  cuộc Vạn lý Trường chinh của Hồng quân TQ với 86 ngàn người, từ Giang Tây, đi qua Tây Tạng, vượt 12000km, kéo dài hơn một năm, về tới Diên An chỉ còn 7000 người.
Dường như cái tên Trường Chinh luôn gắn với gian khổ, dài lâu và tìm lối ra rất khó. Phải mất 20 năm với bao nhiêu thất bại, đổ máu, đói khát, tôi mới nghĩ ra từ đổi mới năm 1986.
Khi mất, hậu thế lại lấy tên tôi đặt cho một con đường. Như một định mệnh, đường Trường Chinh ở phía nam Hà Nội lại bẩn thỉu, khói bụi, nhà cửa nhôm nhoam, kiến trúc tạp nham, giao thông hỗn loạn, nhác trông đã thấy gian nan và vất vả.
Đoạn đường này có viện thuốc thú y nên rất nhiều người bán thuốc cho chó mèo. Chỉ cần nhìn các cô bán hàng, phải đeo khẩu trang, cũng đủ hiểu sự ô nhiễm kinh hoàng như thế nào. Mỗi sáng đi làm và chiều vào giờ tan tầm, con đường này luôn kẹt cứng, dân chúng chửi thề, đôi lúc lôi cả tên tôi ra mà réo.
Mấy hôm nay báo chí lại nhắc đến tên Trường Chinh liên tục, chẳng phải nhớ công lao trong cách mạng, thời cải cách ruộng đất, khoán 10 của Kim Ngọc và sau này là đổi mới. Mà họ lại nhắc đến vì qui hoạch “uốn lượn” con đường mang tên tôi.
Theo qui hoạch ban đầu, con đường này được mở rộng từ ngã tư Sở đến ngã tư Vọng, lẽ ra là một đường thẳng. Thế nhưng khi đi qua đất của Quân chủng Phòng không, Không quân, thì đường đã nắn để tránh nhà quan chức, phần từ hồ Hố Mẻ đến Cống chéo sông Lừ.
Theo Sở Qui hoạch Hà Nội, “từ lúc phê duyệt tới nay đã có sư dịch chuyển nhẹ nhàng, tạo ra đường cong mềm mại”. Đọc đoạn này mà tôi không thể nín cười. Từng là người viết nổi tiếng các văn bản chính qui từ thời lập nước VNDCCH, thế mà tôi phải phục cụm từ “đường cong mềm mại”, con cháu bây giờ giỏi thật.
Càng nghĩ càng thấy công cuộc xây dựng XHCN là một cuộc trường chinh thực sự. Có mỗi đoạn đường ngắn, chỉ vì vài chức sắc mà phải thiết kế uốn cong cho hợp với lòng quan. Chế độ XHCN linh hoạt giúp người có quyền thế. Mới hiểu tại sao, nửa thế kỷ đã qua, nhân loại đã đi rất xa, mà ta vẫn đứng, bởi quan chỉ vì quan, quan chẳng vì dân.
Tôi đề nghị thủ đô Hà Nội thay tên con đường này bằng tên của mấy một vài vị từng là anh hùng phi công như Phạm Ngọc Lan, Phạm Thanh Ngân, Phạm Tuân, Nguyễn Đức Soát (ví du: tên đường là Lan Ngân Tân Soát cũng hay) để nhớ về công lao của họ trong chiến tranh chống Mỹ. Nếu các vị chuyển nhà đi cho đường thẳng thì dấu ấn của họ vẫn còn nơi đây.
Nếu như các vị cứ quyết “dùng công lao làm đòn xoay ….cao tốc”, thay vì tên Trường Chinh, hãy gọi đường này là…Đoản Chinh.
Xin cảm ơn sự lưu ý của quí vị.
TT đã ký.



--> Read more..

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

XĂNG TĂNG GIÁ



                                                                      XĂNG TĂNG GIÁ

Rót đầy bình xăng xe máy, phải trả gần gần 100.000 đồng. hóa ra xăng đã tăng giá mà không biết. Lên xe đi tiếp, bỗng mình nhớ đến một nàng có nicname là TKO của thời Yahoo 360. Nàng xinh đẹp (ảnh) và có nhiều ý tưởng rất độc đáo. Một lần xăng tăng giá đột ngột, nàng đã post trên Entry của nàng hai câu thơ với ý tưởng về tình yêu và giục giã, đề xuất “Hãy iu…hãy iu… như chưa iu lần nào / Càng iu… càng iu… như xăng chưa tăng cao…”. Khấp khởi, BOBI tôi vội comment hưởng ứng ngay bài vè "Hãy iu" nghe rất mùi mẫn (dù có hơi sến chút đỉnh) với tâm trạng hồi hộp, hy vọng, đợi chờ...hihi. Nhưng rồi Yahoo ngừng hoạt động, nhà cửa bị giải phóng mặt bằng, bạn bè tứ tán phiêu bạt, nàng TKO không biết du hí phương trời nào, biệt vô âm tín… Hôm nay, xăng lại tăng giá, nhớ nàng, nhớ kỷ niệm xưa, NANO tôi đăng lại comment “Hãy iu” này, biết đâu nàng TKO đọc được và xuất hiện…

(Ảnh cop từ mạng)

                                      HÃY IU…

“Hãy iu… hãy iu… như chưa iu lần nào,
Càng iu…càng iu… như xăng chưa tăng cao”
Nghe em giục, trái tim anh muốn nhảy
Chạy bộ đến em khỏi cần xe máy.

Đón em đi chơi phố phường tung tẩy
Bằng xe cải tiến: Em ngồi anh đẩy
Ngày ngắm mặt trời, đêm ngắm trăng thâu,
Cuốc bộ nhiều chân lại khoẻ như trâu.

Như em hát: “không có việc gì khó,
Và hai đứa ta quyết chí cùng liều”,
Mặc giá xăng nhớt chỉ tăng không xuống
Đường lên hạnh phúc đẹp như tranh thêu

Em nói thì thầm: - Sao anh khoẻ thế ?
Anh cố hét to: - Sức mạnh tình iu !
- Quên xăng xe đi, chỉ xe cải tiến,
- Vẫn đẩy em đi nhẹ tựa cánh diều

Em xúc động để một tay lên ngực:
- Hãy iu…hãy iu… như chưa iu lần nào.
Anh sung sướng, cả hai tay ôm ngực:
Càng iu… càng iu… như xăng “phưa phăng phao”


--> Read more..

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

ĐI CHỢ NGÀY ÔNG TÁO



ĐI CHỢ NGÀY ÔNG TÁO

(Chuyện giờ mới kể)


Tháng giáp Tết, Đức Phu Nhân không may bị tai nạn giao thông. Hai cậu thanh niên vượt đèn đỏ tông vào, kéo văng cả bánh xe đạp. Hậu quả: tay phải bị bó bột, chân trái bị nẹp cứng, chờ bó bột tiếp và phải ngồi xe lăn. Họa vô đơn chí, đành phải đón Tết bằng chân nọ tay kia. Công việc nội trợ bất ngờ được giao lại cho BoBi tôi. Thế là, “cờ đến tay ai người ấy phất”. Quán xuyến việc nhà, cũng đơn giản: Sáng dậy sớm, quét sân, lau nhà, đi mua ăn sáng, trưa chiều nấu cơm, giặt giũ thì đã có máy. Tranh thủ lúc rỗi, mở vi tính lướt mạng. Blog thì tạm dừng để tập trung vào nhiệm vụ trung tâm đột suất theo sự chỉ đạo và giám sát Thủ trưởng, hihi. Sau bao nhiêu năm, tiềm năng “công dung ngôn hạnh” của BoBi tôi giống như khoáng sản quý được dấu kín trong lòng đất, nay được dịp phát lộ và phát huy hết tốc lực. Bà Xã ngồi đó, trên xe lăn ngắm chồng thao tác các công việc với kỹ năng khá điêu luyện, gật đầu khoái chí, tủm tỉm: Nào là động tác đưa chổi lau nhà nhịp nhàng như chèo đò; Nào là quét sân nhanh sạch như cào lúa sân phơi lúc chạy mưa; Nào là rửa bát, nồi niêu xoong chảo với mười ngón tay mềm mại uyển chuyển như liền chị làng quan họ,… Đặc biệt, vá áo, đơm cúc cho vợ với đường kim mũi chỉ chẳng kém cạnh gì các thiếu nữ thêu thùa tại xưởng XQ Sử quán Đà Lạt. Những việc trên đây coi như chuyện vặt, chuyện nhỏ như con thỏ. Khó nhất là phải đi chợ. Ngày thường thì dễ rồi, có thể gửi ai đó mua hộ vài thứ đơn giản, nhưng hôm nay là ngày quan trọng – Ngày Táo quân về trời, mọi việc phải trực tiếp ra tay, mới linh thiêng.

Sáu giờ sáng, bầu trời còn xám ngoét, gió lạnh vẫn rít qua khe cửa, Đức Phu Nhân từ trên xe lăn đã truyền chỉ:

- Anh ơi! Anh tranh thủ ra chợ mua mấy thứ để chuẩn bị làm lễ cúng ông Táo.

Hừ…, với tất cả các Đức Ông Chồng, đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Hàng chục năm trời, đúng ra từ khi may mắn lấy được vợ (may hơn khôn), thì BoBi tôi chẳng biết chợ búa là gì, mua bán ra sao, giá cả thế nào, nay lại phải tung tăng shopping. Nhưng “lệnh” đã ban, không thể trái, nên tỏ ra tự tin:

- Anh sẽ mua đầy đủ theo Ọc-đơ của em

- Nghe em dặn đây: Những thứ cần mua em đã kê đầy đủ trong giấy này. Anh cứ thế mà mua. Chú ý cẩn thận, rất dễ nhầm mệnh giá các đồng bạc giống nhau, tiền luôn để túi ngực phía trong áo rét để tránh bị mất cắp,…

- Hay là đưa anh cái túi vải đựng tiền của em, để nhét vào trong cạp quần, thỉnh thoảng móc ra trả tiền, trông cho nó hoành tráng.

- Em không đùa đâu,

- Em căn dặn nhiều quá, tỉ mỉ quá, chứng tỏ chưa tin tưởng toàn diện và tuyệt đối vào Đức Ông Chồng yêu quý của mình.

- Dặn thế mà vẫn tai nọ xọ tai kia đấy. Các anh ra chợ trông ngu ngơ như bò đội nón. Lại nhỡ gặp em nào xinh đẹp tiếp thị dẻo quẹo, thế là vung tay quá trán ngay. Gương các bạn anh đấy.

- Em yên tâm, không phải giáo huấn, quán triệt nhiều. Mọi việc đâu sẽ vào đấy, chính xác đến từng milimet.

Nói mạnh thế thôi, chứ trên đường ra chợ, tay xách làn, tay xách xô nước, đầu suy nghĩ lung tung. Phu Nhân nhắc đến gương mấy ông bạn vàng quả là không oan: Đó là ông bạn ở Hà Nội thanh lịch, mỗi lần nổi hứng đi mua sắm gì thì bà vợ chân dép chân không tất tưởi bỏ hết việc cơ quan lon ton chạy theo bám sát, kèm cặp, chỉ dẫn, thuyết minh,… nếu không thế nào ông chồng kính yêu cũng vác đồ rởm về với giá cắt cổ. Rồi ông bạn giám đốc, quê Miền Trung ruột thịt, một lần ra HN công tác, vào cửa hàng mua giầy uy-nic mõm nhái, gặp đúng một nàng duyên dáng tiếp thị, đôi môi đỏ chót, nụ cười hình trái tim, giọng ngọt như mía lùi. Đang định cởi dép thử giầy thì nàng bảo: - Không phải thử, em ngắm chân anh rồi, vừa in, đôi giầy này hình như là đóng cho riêng anh, vừa đẹp vừa mốt. Được lời như cởi tấm lòng, ông bạn khấp khởi huýt sáo và trả tiền, lại hào phóng tặng luôn tiền thừa. Về đến trong quê, xỏ chân vào không được vì giầy quá chật. Vợ đứng bên cạnh hỏi: - Khi mua anh không đi thử à. Rất nhanh trí, anh bạn nhìn vợ âu yếm và nhỏ nhẹ: - À, đây là giầy của BoBi mua, gửi xe anh, lúc về quên không đưa lại… Một tháng sau, ông bạn lại ra công tác Hà Nội và trân trọng kính tặng đồng chí BoBi đôi giầy, người đã có công làm lá chắn, cứu cho bạn khỏi bị truy cứu hình sự, hihi.

Đúng ra đây là lần thứ hai, BoBi tôi được giao nhiệm vụ chợ búa này. Lần trước lâu lắm rồi, cái thời bao cấp, thời “xảy nhà ra mậu dịch”, khắp nơi ngăn sông cấm chợ. Một hôm vợ do bận gì đột xuất, nên giao cho BoBi tôi ra chợ tìm mua một mớ cá.

Đi một lúc, về tay không, bảo vợ:  

- Không có cá, chỉ toàn là mông.

Vợ ngỡ ngàng:

- Anh không lại chỗ bán cá à.

- Có lại, nhưng chỉ thấy toàn mông.

- Anh nói em chả hiểu gì cả. Bán cá sao toàn thịt mông?

- Cả chợ chỉ có một bà bán cá, nhưng có khoảng năm sáu cô xúm vào xung quanh, giành nhau mặc cả. Tất cả đều chúi đầu vào rổ cá bé tẹo, mông chổng ra, người đến sau chỉ nhìn toàn thấy mông. Chẳng nhẽ anh cũng chúi đầu vào…Vợ ngán ngẩm không thể nói được gì.


Đi chợ lần này. BoBi tôi đã có một số kinh nghiệm do vài ông bạn truyền lại: - Một là: Bước đi khoan thai, không vội vàng, quan sát từ xa để xác định phương pháp tiếp cận các sạp hàng phù hợp, tỏ ra là mình không dễ bị lừa. - Hai là: Thứ mình cần mua mà đang có nhiều người mua thì quá thuận lợi, chờ mọi người mua xong, mình đưa tiền mua tiếp, khỏi phải mặc cả. - Ba là: Thứ hàng chỉ có một mình mua  cũng không nên mặc cả, ưng thì đưa tiền lấy ngay. Cò kè dăm ba ngàn thì rất dễ bị ăn đặc sản. (bạn của BoBi một lần đã bị bội thực do đặc sản của một cô bán cá vung ra tứ tung, một tuần sau vẫn còn ú ớ như người phải gió, hề hề). - Bốn là: Nhớ lời vàng ý ngọc của vợ: nâng cao tinh thần cảnh giác với các cô bán hàng xinh tươi, giọng nói ngọt ngào dễ thương, (luôn lấy tấm gương của hai ông bạn vàng nói trên để răn mình).

Với tổng kết có tính cẩm nang như vậy, BoBi tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực hiện đúng “Ý Chỉ”. Hài lòng nhất là ba con cá chép mầu vàng. Nổi hứng, Phu Nhân ban lời khen và lim dim mắt mơ màng:

- Ba con cá rất đẹp, quẫy mạnh, khỏe khoắn, sẽ chở ông Táo lướt nhanh đến Thiên Đình, chắc Ngọc Hoàng vui và ban thưởng. Sau đó về vượt Vũ Môn để hóa Rồng.

- Ôi, em đang mơ ngủ à? Toàn là lời hay ý đẹp!

- Em nói thế không đúng à?

- Đúng thì có đúng, nhưng sai thì rất sai.

- Sao rắc rối lôi thôi thế?

- Táo Quân nhà mình là Táo Thảo Dân, vẫn mốt cổ xưa: đội mũ đi hia chẳng mặc quần, cưỡi cá chép chậm rề rề, đường đông tắc nghẽn, bò được lên đến nơi cho có mặt đã là quý rồi, mong gì được Ngọc Hoàng tiếp.

- Thế không trình sớ à?

- Trình sớ là nói cho có vẻ là bản sắc dân tộc, chứ có ai đọc. Sớ năm nào chả giống nhau trừ ngày tháng năm. Nội dung đã được sửa chữa, xét duyệt cận thận. Những gì  còn gọi là tồn tại, bất cập đều do dân gây ra, như tai nạn giao thông nhiều là do dân đi không đúng luật. Các nhà máy thủy điện xả lũ bao giờ cũng đúng quy trình, chỉ dân bất ngờ bị nước cuốn trôi là chết không đúng quy trình, vân vân…

- Thế Táo Quan chức, đại gia cũng thế à?

- Táo Quan chức, đại gia thì com-lê, cà-vạt chỉnh tề, phóng vút lên trời bằng các con “mẹc”. Không mang sớ mà mang phong bì nặng chĩu. Đây là thời văn hóa phong bì lên ngôi, “cái nước mình nó thế”.

Mới nghe diễn giải sơ qua, Phu Nhân đã sực tỉnh:

- Thôi, không cần nghĩ lung tung nữa, anh sửa soạn sắp xếp các thứ cẩn thận để kịp thắp hương cúng, xong rồi mang cá thả xuống sông Hồng, cũng chẳng cần vượt Vũ Môn hóa Rồng, tiền đâu mà “lop-bi”.

- Em thật tuyệt vời, nhận thức rất nhanh. Đang đau chân, đau tay thế mà đầu óc vẫn không bị lú lẫn.

Sau khi khen Đức Phu Nhân, BoBi tôi lại lao vào công việc “tề gia” một cách say sưa, để chuẩn bị đón một cái Tết vui vẻ, mong năm mới tay chân của Phu Nhân mau lành, tai qua  nạn khỏi, gia đình mọi sự như ý. hihi










  


--> Read more..

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

CHÚC MỪNG NĂM MỚI



Chúc Mừng Năm Mới



BOBI tôi xin chân thành chúc tất cả các bạn

Năm GIÁP NGỌ 2014:

AN KHANG - THỊNH VƯỢNG 
- MỌI SỰ NHƯ Ý


--> Read more..

Flags

Flag Counter