Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

MC



MC


 Hôm qua, đang ngồi đọc sách thì nghe loáng thoáng một cậu MC nào đó dẫn chuyện và hội thoại cùng các em thiếu nhi trên TV. Đại để tóm tắt hoạt cảnh hội thoại về tình huống Trọng Thủy gạ Mỵ Châu cho xem nỏ thần, Lúc đầu Mỵ Châu không đồng ý, nhưng bị Trong Thủy lừa phỉnh, Mỵ Châu cả tin, mủi lòng, nên đã lấy nỏ thần đưa cho Trọng Thủy xem. Có được lẫy nỏ, Trọng Thủy chuỗn ngay về Tàu để bàn với cha âm mưu xâm chiếm nước ta. MC kết luận, chúng ta phải nâng cao cảnh giác, vân vân và vân vân. Nghe cách dẫn giải câu chuyện của MC thật nhạt nhẽo vô hồn mà chán ngắt. Bỗng nhiên BoBi tôi sực nhớ đến chuyện cô giáo thường dẫn giải  vào đề rất sinh động mỗi lần thay đổi “Chủ điểm” trong chương trình làm cho HS và cả phụ huynh há hốc mồm nghe, BoBi ghi lại để các bạn nghe và học tập nhé:

Chuyện như sau:

-         Cô giáo: Các em, có nhà em nào làm ruộng hoặc làm vườn không ?
-         Cả lớp: Có, cả lớp hô to và cùng dơ tay.
-         Cô giáo: Tốt, Để cho cây nhanh tốt thì phải làm gì nào ?
-         Em A: Thưa cô phải thường xuyên chăm sóc cẩn thận ạ.
-         Cô giáo: Chăm sóc cẩn thận là làm gì ?
-         Em B: Thưa cô, thường xuyên làm cỏ, vun gốc ạ.
-         Cô giáo: Rất đúng, còn làm gì nữa ?
-         Em C: Giống cây phải tốt, chịu được khí hậu, bố mẹ em bảo thế.
-         Cô giáo: Em rất giỏi, còn gì nữa nào?
-         Em D: Thưa cô, thường xuyên tưới nước ạ.
-         Cô giáo: Đủng rồi. Có em nào biết gì khác ?
-         Em Đ: Thưa cô, phải thường xuyên bón phân ạ.
-      Cô giáo: Tuyệt, Như vậy muốn cho hoa màu cây cối tươi tốt thì chúng ta luôn phải nhớ “nước, phân, cần, giống”. Các em nhớ chưa ?
-         Cả lớp: Thưa cô nhớ rồi ạ.
-         Cô giáo: Thế bây giờ có em nào biết các loại phân nào ?
-         Em E: Thưa cô phân đạm ạ.
-         Cô giáo: Còn phân nào nữa ?
-         Em H: Thưa cô phân lân ạ.
-         Cô giáo: Có còn nữa không?
-         Em I: Thưa cô phân xanh, phân bắc ạ.
-         giáo: Em rất giỏi, phân xanh, phân bắc là những loại phân mang đậm đà bản sắc dân tộc. Lợi ích của các phân đó không chỉ làm cho ruộng đồng xanh tốt mà còn là chất liệu quý tạo nên thi hứng của các nhà thơ. Các em có biết không ?
-         Cả lớp: thưa cô không ạ.
-         Cô giáo: Các em không biết là đúng vì đấy là những vần thơ đạt tính nghệ thuật và thực tiễn rất cao. Ví dụ khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi thăm Phú Thọ, thì nhà thơ Bút Tre đã viết: Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh / Anh về phân bắc phân xanh đầy đồng”. Các em nghe có thấy hay không ?
-         Cả lớp: Có ạ. Các em ít tuổi mà đã biết cảm thụ thơ, rất tốt.
-        Cô giáo: Nhưng nếu phân xanh là niềm cảm hứng cho thi ca một, thì phân bắc sẽ là niềm cảm hứng gấp hai, ba hoặc nhiều hơn thế, các em có biết không ?
-         Cả lớp: (Im lặng lắng nghe)
-         Cô giáo: Một hôm chàng trai đến thăm nhà bạn gái, thấy cả nhà đang hì hục xúc phân vào hố để ủ, chàng trai đã tức cảnh sinh thơ: “Nhà em có hố phân đầy / Cho U em ấm cho Thầy em no”. Như vậy có phân là có no phải không ?
-         Cả lớp: Thưa cô phải ạ, rất no ạ.
-         Cô giáo: Chính những vần thơ đó làm cho tình yêu trai gái thêm gắn bó, nhưng chưa hết, Chảng trai còn muốn thể hiện tình cảm sâu sắc hơn qua chất liệu phân quý giá này. Các em nghe nhé ?
-         Cả lớp: Vâng ạ.
-         Khi cả Miên Bắc phát động phong trào “Hố xí hai ngăn” chàng trai đã tâm sự, đã thủ thỉ với người yêu: “Anh chẳng tham bạc tham vàng / Chỉ tham hố xí nhà nàng hai ngăn”. Cô gái nghe rất cảm động. Các em có cảm động không ?
-         Cả lớp: Thưa cô cảm động ạ
-         Cô giáo: Các em đã biết phân có nhiều loại và rất có lợi không chỉ về mặt trồng trọt, mà còn về mặt tinh thần về tình yêu. Chúng ta cần yêu quý phân, tìm hiểu kỹ về phân. Chính vì vậy, hôm nay chúng ta học thêm một loại phân mới nữa, đó là…
-         Cả lớp: Im lặng kéo dài và chờ đợi…
      - Cô giáo: Đó là… Phân… phân… Phân số. Phân số, các em giở sách ra và viết “Phân số”.
     - Cả lớp òa lên thích thú
--> Read more..

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

BÓNG BAY

BÓNG BAY


Đời ta như quả bóng bay,
Lang thang đường phố hết ngày lại đêm
...
--> Read more..

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

TRIỆN (TIẾP)



TRIỆN (TIẾP)
(hội thoại tiếp)


-         Anh Bi ơi ời… ời! Quá một tuần rồi, xong Triện cho em chưa ?
-         Chưa, làm gì mà như lửa đốt thế. Hình như  em chính quê Nam Định ?
-         Vâng. Nhưng sao bỗng dưng anh lại hỏi quê em ? Triện thì có liên quan gì đến quê quán ?
-         Vì em gọi anh “ơi ời… ời”, vừa nghe như làn điệu chầu văn., lại vừa nghe như tiếng gọi đò sông Lấp – Vị Xuyên của thời cụ Tú Xương “… Vẳng nghe tiếng ếch bên tai / Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò…” ,
-         Anh chỉ giỏi tưởng tượng... Thế bao giờ em được Triện ?
-         Bình tĩnh, Em phải nói là con dấu, không nói “triện, triện”, người khác nghe dễ bị hiểu nhầm, mà cũng đừng hét toáng lên như chỗ không người. Sợ rằng : “Ở đây tai vách mạch rừng / Những từ nhạy cảm xin đừng nhỏ to”. Hihi.
-         Em không sợ, cây ngay không sợ chết đứng.
-         Úi giời, rất hảo hớn. Bây giờ muốn cây chết người ta đào cả gốc nhé. Chết nằm hẳn hoi, chờ đó mà chết đứng.
-         Nói chuyện với anh khó thật, Thế bao giờ xong con dấu ???
-         Có mẫu rồi, do Bulu tiên sinh vẽ vội và gửi ra cho anh. Bác Bu thật nhiệt tình, nghe anh bị bạn gái o ép, thế là cuống cuồng, vội vẽ ngay. Bác Bu tường trình: Ông ngoại tay trái ôm cháu, tay phải vừa tra tự điển và vẽ mẫu con triện, thỉnh thoảng lại liếc nhìn bà ngoại đang đứng bếp, mũi khịt khịt vì mùi thơm cá rán. Vậy mà bản vẽ vẫn hoàn thành như ý.
-         Bạn anh tuyệt thật, thế thì anh cho làm tiếp đi.
-         Chưa được, đấy mới là sơ thảo. Còn phải thẩm định lại chữ nghĩa cho chính xác. Anh hỏi em: Cháu tên Vân, nhưng là Vân gì ? Vân mây, Vân cỏ thơm hay là …
-         Vân là Vân chứ còn Vân gì nữa. Mà người ta thường nói vân gỗ, vân đá chứ chẳng ai nói vân mây, vân cỏ thơm… bao giờ, anh chỉ bịa.
-         Em thật tuyệt vời.
-         Chứ không à.
-         Nghe anh giải thích đây: Một trong những đặc điểm tiếng Hán là đồng âm dị nghĩa. Nghĩa khác nhau thì viết khác nhau, mặc dù âm đọc giống nhau. Như vậy phải biết Vân của em thuộc bộ nào thì mới viết đúng được, Nghe thủng ra chưa ?
-         Cần biết Bộ của các cháu sao không nói ngay. Cháu Vân ở bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, còn cháu Anh làm ở bộ Xây Dựng.
-         Ối giời đất ơi ! Bạn gái kính mến của tôi ! Đúng là bó-tay-chấm-com, Gu-gờ-chấm-Tiên-Lãng. Đáng ra em xứng đáng là Bộ trưởng bộ Y Tế.
-         Này, anh quá đáng vừa vừa thôi, em nói không đúng à.
-         Thôi không hỏi em nữa, anh sẽ làm tiếp để tuần sau là có “triện” cho em là được. Nhưng khi gặp lại em anh sẽ cầm tay chỉ  việc, à quên cầm tay chỉ tự điển để em có khái niệm về cách viết chữ Hán.
-         Cầm tay chỉ tự điển (!?) Nghi lắm. Chắc là để  “Anh nắm tay em sôi nổi vụng về chứ gì”, hihi. Em hỏi thật, mấy câu thơ chia tim, chia nội tạng  là thơ của anh  đấy à ?
-         Nếu của anh thì sao, nghe cũng hay và tình cảm đấy chứ ?
-         Thì sao! Sến, siêu sến và phản khoa học chứ sao. Nghe sặc mùi “giải phẫu học”. Mà đấy cũng là môn học rất nặng của ngành Y chúng em.
-         Thôi đi. Không biết cảm thụ thơ mà dám chê lung tung, trong khi Việt Nam ta đang tự hào là cường quốc thơ đấy.
-         Em chả thèm quan tâm cái cường quốc Thơ của các anh. Bây giờ có thêm việc cho anh đây: Mấy đứa bạn em cũng muốn có triện, em định cho số điện thoại của anh, nhưng phải hỏi anh trước đã.
-         Thôi chết, đừng, mới một mình em anh đã thở không ra hơi, giờ lại định thêm các bạn em nữa…
-         Kiêu kỳ, hihi. Một bạn tên là Minh Hương, một bạn tên là Thu Thủy.
-         Tên gì ? Thu Thủy à. Hay là…
-         Anh ngắc ngứ gì thế, anh quen biết bạn em à ?
-         Không.
-         Bạn Thu Thủy còn muốn được hiểu ý nghĩa tượng hình của chữ Thu Thủy, hay anh gặp và giải thích cho bạn ấy nghe nhé.
-         Không, em đừng có mà tư vấn lung tung. Không cần gặp đâu, Anh có thể giải thích tóm tắt ngay bây giờ qua điện thoại để em nói lại với bạn nhé.
-         Cũng được, anh nói đi, em nhớ và sẽ nói lại
-         Thu Thủy là hai từ Hán Việt: - Thu tượng trưng cho mùa Thu, mùa đẹp nhất, dễ chịu nhất trong năm, mùa lúa làm đòng và sẽ dần chín vàng dưới ánh sáng và sức nóng vừa phải của mặt trời. Do vậy, chữ “thu” () gồm bộ “hòa” () là lúa còn nguyên rơm rạ, và bộ “hỏa” () là lửa, nóng. Chữ Thu viết theo thể “khải” thì bộ hỏa đứng sau (), nhưng viết theo thể “triện” thì bộ hỏa đứng trước () có vẻ hợp lý hơn. - Thủy() là nước, nước chảy không ngừng tạo thành sông suối nên thể “triện” viết giống như dòng nước chảy (). Đấy là ý nghĩa cấu tạo của chữ. Còn về thực tế thì những bạn gái có tên Thu Thủy thường đẹp, dáng người chuẩn, eo ót đâu ra đấy, ăn nói nhẹ nhàng đoan trang dễ thương. Ca dao nói: “Những người thắt đáy lưng ong / Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”. Đấy là đặc tính cơ bản, đặc tính chủ đạo của nàng. Đặc tính này dễ làm cho các chàng trai bị “sét đánh” lăn quay lông lốc. Tuy nhiên khi tiếp xúc vẫn phải đề phòng các nàng Thu Thủy thỉnh thoảng bất chợt biến đổi gien. Nghĩa là người có tên Thu Thủy sẽ vừa có bộ thủy (- nước, lạnh), vừa có bộ hỏa (-lửa, nóng), vừa lạnh vừa nóng. Thủy-Hỏa thì biết rồi đấy. Chàng nào định đến trồng cây si ăn nói phải cẩn thận, đúng mực, lịch sự, nho nhã, không tán nhăng tán cuội được. Như vậy sẽ được “hỏa” bập bùng ngay, nghĩa là bên bếp than hồng anh chị tha hồ thủ tha thủ thỉ, lại có cơm nóng canh ngọt. Ngược lại, chàng mà nói năng ỡm ờ, tay chân như bị pắc-ki-sân mãn tính thì “thủy” hiện ngay nhãn tiền, nghĩa là chàng được xơi gọn một xô nước lạnh (lạy trời không phải xô nước gạo), đầu tóc, áo quần com-lê, cà-vạt, giầy mõm  nhái láng coóng sẽ ướt sũng, chạy bán sống bán chết. Hề hề. Đấy là giải thích tóm tắt, nhưng em phải nói lại đủ ý cho bạn em nghe nhé, đừng có ăn vả ý như kiểu tam sao…Em hiểu tam sao chứ?
-         Hiểu rồi, “tam sao” là ba sao, hồi học phổ thông em đã biết câu “một vành trăng khuyết ba sao giữa trời” trong Kiều rồi.
-         Ối trời đất, thế này thì không còn gì để nói tiếp nữa. Nhưng trước khi tắt máy cho anh gửi lời đồng cảm sâu sắc tới anh chồng yêu quý của em vì sức chịu đựng chỉ số IQ của em trong mấy chục năm qua. Tạm biệt em nhé
-         Tạm biệt anh
Ghi chú: Các ảnh triện được copy từ net

HÌNH BỔ SUNG

Để tránh bị “án oan” theo nội dung hai comment của bác Hiệp và bà già xinh tươi, BoBi tôi bổ sung thêm vào entry hình mẫu con triện có hai chữ VÂN-ANH. Mẫu này được thiết kế bởi hai người:
- Bulu tiên sinh: Tra chữ và thiết kế sơ bộ.
- NaNo BoBi: Trình bày mỹ thuật theo dạng tranh cắt giấy.
Như vậy là: “Cây ngay không sợ chết đứng”. Hehe
--> Read more..

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

TRIỆN



TRIỆN

 (Ảnh minh họa từ Net)

 Đang ngồi thơ thẩn, bỗng chuông điện thoại réo và cuộc hội thoại bắt đầu (gỡ băng cuộc hội thoại):
- Chào anh Bi, anh khỏe không ?

- Úi trời, cảm ơn! Phải ba bốn năm rồi, nay mới lại được nghe tiếng oanh thỏ thẻ. Hôm nay em nhàn cư hay sao mà bỗng dưng nhớ và hỏi thăm sức khỏe của anh.

- Lúc quên , lúc nhớ. Nhưng cái chính là định nhờ anh một việc.

- Thật cảm động, em cứ phán, anh xin chết liền, hihi.

- Anh có mà giời đánh thánh vật… Em rất cần một cái “triện”, anh nhớ giúp em nhé ?

– Em nói lằng nhằng gì thế. Tại sao cần “triện” lại nhớ đến anh. chồng em đi công tác à…Lại còn hỏi thăm sức khỏe ???

- Chỉ có anh lằng nhằng thì có, đừng có giàu trí tưởng bở. Em nhờ nghiêm chỉnh đấy.

- Thì em phải nói cụ thể anh mới hiểu được. Hồi này anh hay bị triệu trứng nhũ não.

- Em nói “triện” tức là con dấu, trong đó khắc mấy chữ loăng ngoằng gì đó mà người ta dùng để đóng vào sách trong thư viện gia đình cho nó đẹp....

- Trời đất, lần sau em nói rõ như vậy ngay từ đầu, cứ nói ỡm ờ để anh hiểu nhầm, làm tim anh cứ như bị nhảy hip-hop, suýt nữa định “chia ba phần tươi đỏ” hihi.

- Này anh Bi ơi, Em đang khỏe như thế này mà định rủa cho em ốm lăn ra đấy à.

- Đâu, anh có rủa gì em đâu, hay Ai-phon 5 của em bị lỗi ?

- Anh vừa nói chia tim phổi làm 3 phần phải không ? Em đâu có cần ghép nội tạng mà anh phải cho ??

- Thôi chết, em quá nhạy cảm. Đấy là anh bỗng nhớ một câu thơ nói về tình yêu của ai đấy “…rất chân thật chia ba phần tươi đỏ…”, anh xin lỗi.

- Yêu với chả đương, yêu mà chia tim ra như vậy là giả tạo, thì chẳng còn gì để nói, Anh nên nhớ em là bác sĩ ngoại khoa đấy.

- Trời đất, đúng là bản năng nghề nghiệp. Nhà thơ chia tim chứ anh đâu có chia, ngược lại anh sẽ giữ nguyên trái tim hồng, được chưa ?

- Đấy là việc của anh, em biết đâu đấy. Thôi không nói dài dòng nữa, anh Bi làm ngay cho em nhé, tuần sau là phải có đấy.

- Này, thủ trưởng của anh cũng chưa bao giờ ra một cái lệnh lạnh lùng như thế đâu nhé. Nhân tiện anh nhắc em là phải gọi anh đầy đủ họ tên cho nó tôn trọng và hoành tráng nhé

- Cụ thể ?

- Tôn thất NaNo BoBi nhớ chưa ?

- Sao cái nước mình lắm Tôn Thất thế không biết: Tài chính thì Tôn Thất Thoát, Y tế thì Tôn Thất Đức, Giáo dục thi Tôn Thất Học, Nông nghiệp thì Tôn Thất Bát, Hội Phụ nữ thì…

- Không nói chuyên thế sự, Anh hỏi em, sao cần con “triện” lại không lên Văn Miếu, ở đấy có rất nhiều nhà Thư pháp.

- Lên rồi, nhưng toàn nhà Thư pháp gia công thôi, không biết thiết kế con dấu dạng tiểu…tiểu gì đấy.

- Tiểu triện.

- À vâng Tiểu triện

- Lệnh ban ra của em làm anh rất bí do tài hèn sức mọn, Anh có quen mấy tiên sinh giỏi thư pháp như bác Bu, bác Ru nhưng lại ở xa. Chỉ có Toro tiên sinh ngụ tại Hà Thành, nhưng từ hồi vào Dinh Thầy Thím, không thấy trở ra nữa, chắc là đã xuống tóc đi tu ở chùa nào rồi.

- Mặc kệ anh, em không cần biết, miễn là anh phải có cho em là được.

- Thậm chí lo lắng, huhu… À mà con “triện” khắc tên ai ?

- Anh sao thế ? Tên em chứ tên ai ?

- Không được đâu ? Em là tiểu thư, là con gái rượu, nên khi đẻ ra bố mẹ em đặt tên quá dân dã, chẳng Hán, chẳng Nôm mà là nôm na (không thể nêu tên ở đây) đến ma quỷ phải khóc thét, không dám bén mảng, giờ khắc tên đó vào triện thì không được.

- Làm sao bây giờ ?

- Em thử lấy một bí danh nào đấy. Giống như các lãnh đạo đầy bí danh hoặc  ghép từ phụ vào tên để thể hiện đúng bản chất của mình, hoặc chí ít cũng như tên các “sao”.

- Mặc kệ anh, anh đặt cho em,

- Số anh đúng là “khổ tận cam lai” hihi. À hai đứa con em tên là…

- Vân và Anh.

- Tuyệt. Con Triện sẽ khắc tên là Vân Anh được chưa.

- Được rồi, em cứ bám lấy anh là được.

- Lại thế nữa. Hồi em còn “U mười tám đôi mươi” sao em không nói câu đó, bây giờ đã “U Tri thiên mệnh” em mới tỉ tê nói. Đúng là số Tử Vi của mình hậu vận phát về Cung Cửu Vạn … …

- Thôi nhé, bai bai...

- Zai jian...

 (Ảnh minh họa từ Net)

--> Read more..

Flags

Flag Counter