Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

TRIỂN LÃM THƯ PHÁP



TRIỂN LÃM THƯ PHÁP

Thường thì gần Tết Nguyên Đán, các nhà Thư pháp tân cổ giao duyên mới lục tục kéo về ngồi bên ngoài bức tường Văn Miếu, bày mực tầu, giấy đỏ để bán chữ. Nhưng bỗng tháng 5 năm nay tại Văn Miếu lại có một cuộc “Triển lãm Thư pháp thơ chữ Hán của chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tiêu đề của Triển lãm gây cảm giác chẳng thú vị gì. Lâu nay mỗi lần đâu đó tổ chức các sự kiện có gắn thêm tên Chủ tịch Hồ Chí Minh thường bị dị nghị mang tính chất cơ hội: Hoặc là đầu cơ chính trị, hoặc là dễ xin kinh phí, giống như năm trước BoBi tôi đi xem “Hội Thơ Lục Bát” thấy cũng có một cảnh hoành tráng diễn viên vào vai Hồ Chủ Tịch bước lên sân khấu giả giọng Nghệ, căn dặn dăm câu đạo lý rồi cùng vỗ tay với các diễn viên khác hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (Đạo diễn của Hữu Thỉnh).

 (Diễn viên vào vai HCM đang vỗ tay cùng hát bài "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng)

 Nghĩ vậy, nhưng BoBi tôi vẫn đi xem triển lãm. Đây là triển lãm của các nhà thư pháp trẻ. Lượn quanh một vòng thấy rất ít người xem, chỉ khoảng độ một chục người. Trong nhà, trước máy quay, một người đang trả lời phỏng vấn. Nội dung câu hỏi và trả lời chẳng ăn nhập gì đến thư pháp đẹp xấu hay rồng bay phượng múa mà chỉ là ca ngợi công lao, đạo đức Hồ Chủ Tịch.

 
 (đang phỏng vấn)

Ngoài sân, trời nắng gắt, dăm người hâm hấp như mình đứng xem. Đủ loại các bức thư pháp to nhỏ, dài ngắn khác nhau dựng khắp sân. Một cậu thanh niên quần bò áo sơ mi trông thiên về hip-hop nhiều hơn là nho nhã, tự giới thiệu là nhà thư pháp trẻ (mình không hỏi tên) và là người chịu trách nhiệm chính về nội dung của triển lãm này. Rồi tỏ ra là uyên thâm, sôi nổi thuyết minh về Thư pháp và ý nghĩa của Triển lãm. Chất giọng và ngữ điệu như đang thuyết minh cho những người mù chữ từ Mù Cang Chải về xuôi. Mình và mọi người đứng nghe chăm chú, rồi minh có cuộc trao đổi nhỏ với diễn giả ngay tại trận:

-         Cái biển màu đỏ với tiêu đề: “Triển lãm Thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là sai (!)

-         Sai sao ạ

-         Ở đây là các cậu viết (thủ bút của các cậu) chứ không phải Hồ Chủ Tịch viết.

-         Thôi chết rồi, chúng cháu nhầm.

-         Các cậu nên bỏ ngay cái biển đó. Cũng nói thêm rằng từ xưa đến nay Nhà nước ta chưa bao giờ công bố bút tích các bài thơ chữ Hán của Hồ Chủ Tịch, mặc dầu thường hay nhắc đến “Nhật Ký Trong Tù”. Lý do thì không thể biết được.

-         Dạ cháu biết ạ.

-         Cậu là chủ xịn ở đây, vừa rồi cậu thuyết minh về Thư Pháp, nghe rất sáng dạ, vậy xin hỏi.

-         Bác cứ hỏi.

-         Tại sao rất nhiều các bức thư pháp không có “lạc khoản” và tất nhiên là không có “thượng khoản” và “hạ khoản”.

-         Dạ, chắc tác giả quên không đề.


 (Những bức thư pháp không có lạc khoản)

-         Có những bức gọi là thư pháp nhưng thực chất là các cậu lấy “ấn chương” (triện) đóng chi chít tạo thành một chữ theo ý muốn. Vậy bút lông để làm gì. Giả sử nếu không dùng ấn chương mà dùng con dấu của cơ quan đóng vào có tạo thành bức thư pháp như các cậu nghĩ không ?

-         (Không trả lời được)

-         Cậu thử đọc chữ mấy bức thư pháp màu đỏ (đóng ấn chương) này là chữ gì?

-         Không phải của cháu nên cháu không đọc được. (gãi đầu)




 (Gọi là thư pháp nhưng không dùng bút lông, mực tàu mà dùng dấu triện đóng chi chít tạo thành chữ)
 -         Cám ơn cậu vì cuộc nói chuyện này.

Chỉ nửa tiếng đứng xem và trao đổi mà BoBi tôi đã toát mồ hôi hột do nắng và cũng do phải tiếp xúc với nhà Thư pháp trẻ. Hềhề  

--> Read more..

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

HÔI BIA



TÂM THƯ CỦA “QUAN THAM” KÍNH GỬI “DÂN THAM”
NHÂN VỤ HÔI BIA
Quan tham Trần Văn Cạp

 
Gần đây xuất hiện một bức thư lạ lùng được gửi từ một vị "quan tham" Trần Văn Cạp đến những người dân hôi của trong vụ lật xe bia ở Đồng Nai.
Nội dung bức thư như sau:
Em xin tự giới thiệu, em là Trần Văn Cạp, một cán bộ có vị trí “quan phụ mẫu” nhưng vẫn được gọi là đầy tớ, là công bộc, là "osin" của nhân dân. Vì là đầy tớ, nên em không nề hà gì việc Cạp: Cạp đất, Cạp sắt, Cạp đường, Cạp tiền, Cạp quà biếu…thậm chí Cạp cả giấy vệ sinh.
Sau nhiều năm tháng tủi nhục, những ngày này em đang sung sướng.
Nhưng nói đúng ra, cái ngọn lửa sung sướng ấy đã nhen nhóm cách đây vài tháng, khi được chứng kiến cảnh một người bị cướp ở TP.HCM, tiền lẻ rơi tung tóe xuống mặt đường. Chỉ chờ có thế, “các anh chủ, chị chủ nhân dân” mặt đỏ như gấc, lao vào tranh cướp như bầy gà chọi trên sới đấu.
Nhưng niềm vui ấy ngắn chẳng tày gang. Cách đây mấy tháng, chúng em đã run sợ lắm khi chứng kiến cả triệu người dân kiên nhẫn, trật tự  xếp hàng dài hàng km trong nhiều tiếng đồng hồ, để có thể được viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Câu nói của ông Dương Trung Quốc lại càng khiến họ Cạp chúng em lo sợ bội phần: “Dường như cả dân tộc đang nắm tay nhau”.
Nếu lúc nào hàng triệu người cũng biết nắm tay nhau, nhường nhịn, yêu thương nhau, không chen lấn xô đẩy, không “tham lam” dù chỉ là một bước chân xếp hàng trước như thế, thì họ đủ sức đánh bại đế chế Cạp, vương triều Tham chúng em.


Nhưng hình như số chúng em chưa tận. Cái ngày cách đây hai tháng, chứng kiến các “ông bà chủ nhân dân” quần áo đầu tóc rũ rượi ra sức dẫm đạp nhau, chửi bới nhau chỉ để có được một miếng Shusi khuyến mại, thì lũ "osin", đầy tớ chúng em lại mừng rơi nước mắt.
Và đến ngày 4/12, thì cả họ Cạp chúng em ôm nhau khóc rống lên vì cảm động và sướng vui khi chứng kiến hàng trăm “anh chủ, chị chủ, ông chủ, bà chủ, em chủ, cháu chủ” biến vòng xoay ở Biên Hòa thành Ngày Hội Hôi Bia – lễ hội độc đáo nhất trên thế giới.
Tại sao chúng em mừng đến thế? Xin thưa, bao nhiêu năm nay bọn em đơn độc làm bia trên “trường bắn dư luận” của hàng chục triệu người. Họ gọi chúng em là “quan tham”, chứ có bao giờ bọn em được gọi họ là “dân tham” đâu. Các ĐBQH xỉ vả chúng em, báo chí xỉ vả chúng em và đôi khi một kẻ đeo mặt nạ trong số chúng em cũng giảng đạo đức để xỉ vả chúng em.
Nay, từ “dân tham” đã chính thức xuất hiện trên từ điển và báo chí.
Nhìn những gương mặt rạng ngời của các “ông bà chủ” khi cầm lon bia trên tay, bọn em như trút được gánh nặng ngàn cân.


Vài lon bia đã đủ sức đánh gục lòng tự trọng của anh chị như thế, thì thử hỏi nếu các anh chị được bổ nhiệm làm “đầy tớ cấp cao” như chúng em, đối mặt với bao của ngon vật lạ, liệu các anh chị có không Cạp?
Cạm bẫy lắm. Cả trăm ngàn đô la nó đập vào mặt, gái xinh chân dài tới nách, nách dài đến... vô cùng, nó ôm ấp, xoa xít, vỗ bồm bộp vào người, liệu lương tâm của các anh chị có “cứng” được nữa không? Khéo lại Cạp điên cuồng hơn chúng em ấy chứ.
Chúng em mừng vì đã có đồng minh Cạp. Phận "osin" như chúng em, cứ đợi “chủ nhà cơ chế” lơi lỏng, thì mới tranh thủ Cạp một ít. Mà chúng em cũng vẫn phải bảo vệ lẫn nhau để còn Cạp được lâu dài. Nhưng “ông chủ” các anh thì Cạp cả của những người đồng cảnh ngộ, kể cả khi người đó chỉ là một lái xe nghèo – người đã phải vái sống các anh van xin đừng Cạp nữa.
Em còn nhớ cô em mịn màng và sáng lóa Ngọc Trinh đã nói một câu rực rỡ như body và nội y của cô ấy: “Không có tiền thì cạp đất ra mà ăn à”. Thiếu miếng ăn thì đôi khi phải Cạp tiền. Tưởng là câu đó đúng 100% nhưng không phải. Trong Lễ Hội Hôi Bia, đã có người hăng say hôi bia dù “nhà mình có uống đâu mà mẹ lấy”. Không có nhu cầu uống bia mà vẫn Cạp bia, thế mới tài.
Mà không chỉ dân ta nhìn dân ta Cạp nhé. Còn gì phấn khởi hơn khi một Đài truyền hình xứ người – nước Nga – cũng đưa ra phát hiện to đùng: “Ở Việt Nam, rơi cái gì coi như mất!”.

Kính thưa các vị chủ! Lúc viết những dòng cuối cùng của bức thư cảm xúc này, chúng em vừa Cạp được một mẻ có giá bằng 100.000 thùng bia. Cạp trong khi nghĩ rằng mình có nhiều đồng minh, vui sướng lắm.
Nhưng không hiểu sao, em lại bắt đầu thấy lo lắng. Lo vì vẫn có “một anh chủ nhân dân” căng tấm băng rôn thay mặt người Đồng Nai xin lỗi. Lo vì vẫn có hàng triệu vị chủ khác cảm thấy nhục nhã và giận dữ thay những hành động trong Lễ Hội Hôi Bia. Có người còn gọi đó là Quốc nhục.
Chúng em biết, nếu số lượng “ông chủ” giận dữ với hành động hôi bia tăng lên, thì số “ông chủ” hôi bia sẽ giảm xuống. Điều này lại đe dọa đến sự tồn vong của họ Cạp chúng em và có thể đe dọa cả đến danh hiệu của cô em Ngọc Trinh nõn nà nữa.
Cho nên, trong vài ngày tới, chúng em thề, chúng em hứa, chúng em đảm bảo sẽ chi tiền hiến dâng các "ông chủ dân tham” vài vụ đổ bia, rơi tiền lẻ ra đường, ăn miễn phí Shusi…nữa để cho lực lượng “đồng minh tham” của chúng em đông lên theo cấp số nhân.
Em nghĩ, có đổ tóe mắm tôm ra đường, chắc cũng có nhiều người bịt mũi lao tới như tên bắn
Và điều tuyệt vời nhất có thể xảy đến là, hôi được mắm tôm xong, khệ nệ bê về nhà, có người mới giật mình nhớ ra rằng mình không hề ăn được mắm tôm và thịt chó.
Kính bút: Trần Văn Cạp
(Theo Đời sống &Pháp luật – Blog Quê Choa)

--> Read more..

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

ĐÚT LÓT - HỐI LỘ ?



GIÁO SƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG CHẲNG HIỂU GÌ VỀ VĂN HỌC VÀ VỀ ĐẠO PHẬT!


BoBi: Sáng 08/12/2003, lướt mạng, BoBi tôi thấy trên VTC News đưa tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 7/12 khi cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã nói: “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ. Cho nên chúng ta phải xem xét, bình tĩnh, tỉnh táo sáng suốt. Tham nhũng đúng như các bác nói phải làm nhanh hơn, mạnh hơn, làm nghiêm hơn chứ không thể để xử lâu, xử nhẹ, án treo nhiều”. Đọc xong tin, BoBi tôi thật ngạc nhiên và không hiểu tại sao một ông Tổng bí thư từng tốt nghiệp Tổng hợp Văn mà lại hiểu về Tây Du Ký một cách thô thiển trần tục như vậy. Câu nói của ông Trọng vô hình dung đã khẳng định “tham nhũng, hối lộ” là tất nhiên và không thể chống được, vì … sang nước Phật đã phải hối lộ…”. Do bác Bu đang có đà viết về bốn thầy trò Đường Tăng, nên BoBi tôi đã comment đề nghị bác Bu viết tiếp nhân câu nói của ông GS Nguyễn Phú Trọng, nhưng bác Bu chưa kịp viết. Nay trên trang bác Tễu có bài về đề tài này, BoBi tôi mạn phép cóp về đây để mọi người cùng đọc
*
*   *
 Lời dẫn của Lâm Khang chủ nhân: Gần đây, trong một dịp tiếp xúc cử tri, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng có nói “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ...". Câu nói ấy khiến cư dân mạng bàn tán nhiều lắm! Nhưng Phật tử Phúc Thịnh đã cống hiến một bài viết rất hay về vấn đề này theo kiến giải của người hiểu Đạo Phật, hiểu văn học cổ Trung Hoa. Xem xong bài viết, ai cũng phải giật mình khi nhớ lại rằng, ông Nguyễn Phú Trọng vốn là sinh viên Tổng hợp Văn (khóa 8). Sinh viên Khoa Văn trường Tổng hợp Hà Nội đều được học về văn học Trung Quốc, trong đó có Tây Du Ký. Vậy mà, trong một phút hưng phấn giữa chốn đông người, ví dụ mà ông đưa ra vừa khập khiễng, vừa tỏ ra là ông chẳng hiểu gì về văn học và về Phật giáo! 

Nhân lời phát biểu của Giáo sư Nguyễn Phú Trọng
Phật tử Phúc Thịnh

Có người nói rằng: “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ..." là có ý nói việc hối lộ không những là bản tính của tất thảy con người phàm tục, mà ngay cả những con người ở thế giới thanh tịnh được coi là đã diệt trừ được Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến cũng vẫn có chuyện tham nhũng và hối lộ. Nói như thế là để ngụ ý: việc chống tham những là việc cực kỳ khó, và không chống được tham nhũng cũng là điều hết sức hiển nhiên. 
Vâng, việc chống tham nhũng đương nhiên là khó. Nói là khó, nhưng nếu thực tâm thì vẫn có cách tốt hơn rất nhiều để hạn chế việc này. Ở đây, tôi không bàn đến việc chống tham nhũng được hay không, cũng không bàn đến việc hạn chế tham nhũng bằng cơ chế ưu việt nào, mà chỉ bàn đến một khía cạnh mà người ta hay hiểu nhầm về đoạn kết của câu chuyện Tây Du Ký. 
Lòng người luôn tham dường như là đúng. Chúng ta luôn muốn có nhiều, nhiều hơn nữa những giá trị về mọi mặt. Những giá trị ấy nhìn dưới góc độ Phật giáo thì chỉ là phù du, bóng nước. Phật chỉ thừa nhận có 2 giá trị thực sự mà thôi, đó là sức khỏe và trí tuệ. Ngoài 2 giá trị Sức khỏe và Trí tuệ ra, các giá trị còn lại khác chỉ làm cho con người luẩn quẩn lâu hơn mà không thể liễu thoát sanh tử, không thể Đáo Bỉ Ngạn, hay không thể đạt đến cảnh giới Niết bàn và thành Phật được. Nhà Phật thường nói: muốn đến Niết Bàn, chứng đắc thành Phật thì con người phải biết từ bỏ Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến. Vậy, làm thế nào để từ bỏ những điều trên? Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến từ đâu mà ra? Vâng, nếu biết những điều trên từ đâu mà ra thì giải trừ nó mới dễ dàng, giống như người chuyên gia chăm sóc sức khỏe, nếu biết rõ nguyên nhân vì sao bạn bị bệnh, thì mới mong cải thiện được nó. Nhà Phật xác định rõ nguyên nhân của Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác Kiến là do thái độ Tư Tình và Tư Sản tạo ra. Vâng, đúng vậy. Nếu chúng ta không đau đáu về tình cảm riêng (nghĩa rộng) và tài sản riêng thì Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến sao dễ dàng nổi nên cho được. Vậy, trong truyện Tây Du Ký thì cái bát vàng chính là vật đại điện cho cả Tư Tình và Tư Sản của Đường Tăng. Mặc dù trong đời sống xuất gia, bình bát vốn là biểu tượng của nhà tu khất thực (khất sĩ trì bát). Nhưng ở đây, chiếc bình bát của Đường Tam Tạng nguyên là của vua Đường tặng cho ngự đệ (em vua) kết nghĩa – đó chính là Tư tình. Bình bát ấy bằng vàng – một l thứ kim loại quý hiếm – đó chính là Tư sản. Vì vậy, bình bát của Đường Tăng trong tình huống này tượng trưng cho của cải, tình riêng và danh vọng ở thế gian. Để nhận kinh báu của Phật, thì buộc phải dâng nạp bình bát là ngụ ý: muốn thọ lãnh đạo giải thoát của Phật, con người phải xuất gia, phải lìa bỏ danh vọng và của cải thế tục.
Ngày xưa, khi Thái tử Cồ đàm tìm đạo giải thoát, Ngài đã phải đánh đổi cả ngai vàng, vợ đẹp, con thơ, cả cuộc sống nhung lụa đế vương. Ngay ở Việt Nam ta cũng vậy, thì khi vua Trần Nhân Tông đi tìm đạo giải thoát cũng phải bỏ lại tất cả, ngai vàng, quyền lực, tam cung, lục viện.v.v…lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà) và tu hành, thì mới được người đời sau cung kính gọi là “Phật Hoàng”.
Tóm lại, việc buộc Đường Tăng phải trao bát vàng trước khi nhận kinh Phật là phương pháp áp dụng trực tiếp trong hoàn cảnh cụ thể của Đường Tăng, để diệt trừ Tư tình, diệt trừ Tư sản, loại bỏ mọi của cải và danh vọng của thế tục, diệt cái cội nguồn của tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến, chứ không phải là vấn đề tham lam, hay hối lộ gì ở nơi nước Phật.
Vài lời ngắn ngủi xin được chia sẻ với những ai còn hiểu nhầm, hay cố tình hiểu nhầm để làm gì đó. Xin cảm ơn.

Nam Mô A Di Đà Phật!
--> Read more..

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

NHÂN SỨ



NHÂN SỨ

 BoBi: Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân từ khi ra đời đến nay đã trên bốn thế kỷ, nhưng vẫn được nhân dân TQ yêu thích và truyền tụng. Ở Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên để hiểu thấu đáo được tác phẩm là điều không đơn giản. Tháng 9/1991, ông Lê Anh Dũng đã cho đăng trên “Văn hóa và Đời sống” một loạt bài với tiêu đề chung là “Giải Mã Truyện Tây Du”[1]. Bằng một kiến thức uyên thâm về Phật học, Đạo học và Thiền học, ông LAD đã luận giải rất sâu sắc về một số sự kiện và bốn nhân vật của  chuyến Tây Du. BoBi nghĩ những người yêu thích Tây Du Ký nên có quyển “Giải Mã Truyện Tây Du” này trong tủ sách cá nhân.
Trong Entry này, BoBi trích đăng lại truyện ngắn NHÂN SỨ của cố nhà văn Hòa Vang[2] để các bạn tham khảo một cách nhìn khác về các thầy trò Đường Tăng. Truyện ngắn này đã từng được giải báo Văn Nghệ, và sau đó được đăng lại trong “Ánh Trăng” là tập truyện ngắn được giải năm 1991.
NHÂN SỨ


Tóm tắt phần đầu truyện Nhân Sứ: Phần đầu nói về bệnh mất ngủ ở Tây Thiên. Phật Tổ không ngủ được vì bị ngứa ở ngón tay, đó là di chứng do nước tiểu của Đại Thánh (chỉ có lá dấu ở Ngũ Hành Sơn mới chữa được). Sa Ngộ Tĩnh một hôm choàng thức giấc, và hình ảnh toàn bộ chuyến đi lần lượt trở lại trong ký ức, trong đó hình ảnh mỗi lần đại ca Tôn đánh yêu quái thì đều bị Đường Tăng tìm cách cản trở hoặc thương cảm. Ngộ Tĩnh chợt nghĩ: “- Hay là… sư phụ ta là... siêu yêu quái”. Vì ý nghĩ dằn vặt đó mà Sa Ngộ Tĩnh cũng không thể ngủ lại được nữa. Sau đây là phần II và phần III của truyện:

“II. Hội tuyển Nhân Sứ[3].
Rạng sáng rồi nắng đẹp.
Chuông chùa Lôi Âm bỗng dóng dả từng hồi dài. Có một đoàn thường nhân đủ nam phụ lão ấu tới chiêm bái Tây Thiên, kính mong được tiếp kiến đàm luận thân ái hòa đồng với một Nhân Sứ.
Nghe báo, Như Lai điềm đạm:
- Một Nhân Sứ - một sứ giả, một đại diện của con người nơi Tây Thiên này ư? Để ta ra trước xem.
Như Lai xuất hiện, hào quang ngũ sắc tỏa sáng lòa nơi thêm cơ Lộc Uyển ngay trước Lôi Âm tự. Ánh sáng cũng làm phừng phừng lung linh luôn cả đoàn người đang đập đầu bái Phật. Tiếng Ngài lồng lộng:
- Chính ta ra tiếp các ngươi đây.
Vị trưởng lão dẫn đầu đoàn người bèn chắp tay thưa lên:
- Kính lạy Đức Chí Tôn, vinh hạnh này thật khôn kể xiết. Nhưng… Chúng tôi muốn gặp một Nhân Sứ đích thực. Ngài đã từng là Thái tử Tất Đạt Đa xưa, từng có vợ có con, từng đã là một người. Nhưng điều đó đã quá lâu rồi. Bây giờ, tượng Ngài ở khắp mọi nơi, và dẫu bằng gì: đất, đá, đồng đen hay gỗ mít phủ sơn then, bê tông cốt thép hay nhựa tái sinh… thì bất phân chất liệu, mọi người cứ thấy là đã tự nhiên hương khói nghi ngút, chắp tay quỳ rạp, mọp đầu, thổn thức hoặc ríu rít cầu khẩn. Đối với một người ai lại như thế? Xin Đức Chí Tôn lượng thứ.
Như Lai gật gù, đoạn khoan dung hỏi tiếp:
- Vậy, liệu kẻ nào nơi đây gần gũi nhất với các ngươi? Hay là bốn thầy trò cái đoàn đã đi lấy kinh của ta về phổ độ cho các ngươi?
- Dạ… có lẽ là vậy.
Như Lai quay lại phất áo:
- Bớ Thiên Đàn Công Đức Phật!
Từ sau lưng Phật Tổ, Đường Tăng khoan thai đi ra, từng  bước như nhún theo tiếng nhạc. Nhưng cả đám thiếu nhi bỗng nhao nhao:
- Chúng cháu không nói chuyện với ông này đâu.
- Miệng ông ấy luôn bảo: Thật thà là căn cốt của người tu hành, nhưng chính ông ấy lại mở đầu việc thâu nạp đồ đệ bằng một điều dối trá, lừa Tôn Ngộ Không mặc vào bộ quần áo trấn yểm và đội chiếc mũ Kim cô… Trùm bịp bợm, xấu lắm!
- Khi mắc nạn vụ mấy quả nhân sâm, ông ấy đã đe Tôn Ngộ Không: “Nếu không tìm được cách thoát thì ta lại niệm chú” Người nhân hậu tử tế ai lại lấy cái đau đớn lăn lộn của đồ đệ, làm sức ép bắt bí, cốt hòng thoát cái thân mình như thế bao giờ…
- Ông ấy chỉ nhằm đạt mục đích của mình toàn bằng công sức người khác, toàn những người tài giỏi, hữu ích hơn ông ấy bao nhiêu…
- Ông ấy là một con người giả. Chúng cháu ghét ông ấy lắm.
Như Lai còn đang ngạc nhiên thì Đường Tăng đã xấu hổ, che mặt quay vào.
Phật Tổ hướng về phía đám trẻ:
- Chắc bọn bay chỉ thích được găph Tôn Ngộ Không?
Chúng thiếu nhi liền vui sướng dạ ran.
Một cái phẩy tay của Như Lai, Đấu Chiến Thắng Phật nhảy phóc ra, quắp một chân, vòng tay, nhún mình chào:
- Lão Tôn đây!
Nhưng lão trượng trưởng đoàn đã đứng dậy, vòng tay:
- Kính thưa Đại Thánh, lòng chúng tôi thảy đều xiết bao yêu kính, thích thú Đại Thánh, không riêng gì đám trẻ con kia. Nhưng há có thể gọi Ngài là người được chăng? Hẳn Đại Thánh còn nhớ thuở Ngài qua Đông Hải Thần Châu, dạt vào bờ, phải ra chợ nhót lấy áo quần mũ hài của đám người lơ đễnh, rồi học đi, học đứng, học nói, học ăn đũa… sao cho tạm ra cái dáng người mà trà trộn được. Rồi đến khi đã đủ đầy quyền phép, Ngài cũng vẫn phải để cái đuôi mình thành một ngọn cờ đuôi nheo sau miếu. Tóm lại, xin Đại Thánh tha lỗi, trước sau ngài vẫn chỉ là một con khỉ, không thể gọi là một con người.
Đấu Chiến Thắng Phật gãi tai cành cạch rồi cười khẹc khẹc vang động.
- Chí phải! Cái lão già chắt chút ta này nói chí phải. Ta biến nhé!
Dứt lời, nhún mình, mất tăm dạng. Chỉ còn thấy dư âm khẹc khẹc đã lẫn váo phía sau Như Lai.
Dưới một tán lá bồ đề mé cạnh, Tĩnh Đàn Sứ Giả Trư Bát Giới cũng lúc cúc cúp tai lủi, bụng nghĩ: “Anh ta như chuông khánh còn chẳng ăn ai vì lốt khỉ, huống ta, mảnh chĩnh thối lốt lợn, lười biếng, tham ăn, háu gái, còn bề bề in đậm trong tâm não lũ thường nhân này, thì còn ló mặt ra làm gì. Thôi, đi về tòa sen, làm một giấc ngủ ngày, há chẳng sung sướng tênh tang ơn sao?”.
Thế là chỉ còn mỗi một danh tính Kim Thần La Hán Sa Ngộ Tĩnh.
Lão trượng trưởng đoàn vòng tay:
- Xin cho chúng tôi được gặp người.
Như Lai thoáng cau mày, rồi hiền hòa cất lời:
- Chẳng hay nhà ngươi không biết Sa Tăng là nhân vật nhạt nhẽo nhất trong số bốn thầy trò Tây Du chăng?
- Dạ, chúng con biết rõ như vậy. Nhưng còn biết rõ hơn: Nhạt nhẽo là thuộc tính thứ nhất của Con Người. Đức Chí Tôn thử ngẫm xem: Trong một cuộc huyết chiến, số người chết được ghi đúng họ tên so với số người táng mạng vô danh quả là hạt cát giữa sa mạc. Rồi gộp tất tật những cuộc huyết chiến vì nghĩa cả ấy lại, thì tổng số người chết lại chẳng thấm tháp vào đâu so với người chết vì dịch hạch, vì bão châu chấu, vì sóng thần, động đất, núi lửa, vì các lục địa nứt ra trôi giạt, vì những hố đen trên mặt trời tự nhiên cựa quậy, những đám bụi mặt trời là xuống hay cuộn lên không hề dự báo…Thử hỏi, muôn triệu sinh linh ấy, sau khi tan biến, liệu có để lại chút xíu dư vị hơn một hạt muối. Sa La Hán nhạt nhẽo, tức là đích thị Con Người. Xin Đức Chí Tôn cho phép…
Như Lai chép miệng đĩnh đạc:
- Lão già mồm mép kia, gươi lại không biết cả chặng vạn lý Tây Du, Sa Tăng chỉ suôt suốt gồng gánh?
- Dạ, gồng gánh, vai hằn lên mọi vết bầm vết chai của các sức nặng, là âm bản của nhạt nhẽo. Gồng gánh suốt đời là thuộc tính thứ hai của Con Người. Vả lại, chính các đại đức, thượng tọa thường truyền dạy cho chúng con rằng: “Đứa hài nhi vừa được sinh ra đã có chiếc đòn gánh vô hình nơi vai, và chiếc đòn nọ chỉ rời ra khi nó đã nằm trong quan tài”. Xin Đức Chí Tôn cho chúng tôi được gặp Nhân Sứ Gồng Gánh ấy: Sa La Hán.
Phật Tổ nén một nhịp thở dài, xuất ngôn chiêu cuối cùng:
- Này, lão đầu đàn đáo để, các ngươi mời gọi một kẻ đã từng ăn thịt người… tha thiết đến thế hay sao?
- Dạ, Chúng con biểt rõ và nhớ: Sa Tăng đã từng ăn thịt người. Nhưng chúng con còn biết và nhớ hơn: Khi Người bị vây hãm vào cảnh cùng cực đói khát. Ở cảnh ấy thì đã có biết bao nhiêu kẻ đồng hành ăn thịt nhau! Chồng ăn thịt vợ, mẹ ăn thịt con… Đức Chí Tôn ơi! Đau đớn thay! Có thể ăn thịt người khi đói khát cùng cực cũng lại là một thuộc tính của Con Người.
Chợt không thấy Như Lai đâu nữa. Hào quang, ngũ sắc cũng tan biến…
Và trong ánh sángthường tình, giữa sắc xanh cây lá, cỏ hoa thường tình… Sa Ngộ Tĩnh bước ra, nhập vào đoàn Người, cả bọn kéo nhau vào Lộc Uyển râm mát, quây quần trò chuyện…
*
III. Tống biệt hành.
Đã lại tròn một tuần trăng. Một đêm …
Sa Ngộ Tĩnh đến trước Như Lai, áp hẳn đầu vào vế đùi Ngài, ngước lên, khẩn nài:
- Thống Phụ Chí Tôn… xin người cho con được phế bỏ toàn bộ công lực của một La Hán, hạ sơn, độc cô hành Đông du về lại sông Lưu Sa xưa, làm một người thường chài lưới trên sông nước, chiều chiều thổi một ống tiêu, nhấp một ngụm rượu, nướng con cá nhỏ, và đợi một người đàn bà, lấy vợ sinh con… Sau nữa, thành thường nhân rồi, qua Ngũ Hành Sơn, con sẽ hái được lá dấu gửi về cho Người.
Như Lai thấy nao lòng. Ngài cúi xuống, đặt tay lên vầng trán Sa Ngộ Tĩnh, thầm ban thiện phước, rồi khẽ khàng:
- Thôi, con đi. Cảm ơn con đã nghĩ đến ta. Việc đó nếu tiện, cũng nên làm.
*
Phút giã biệt giữa bốn thầy trò thật là bịn rịn.
Đường Tăng trao tấm Cẩm-Lan-cà-sa:
- Này con, đây là áo khoác đi đường, cuộn lại làm gối, trải ra làm chăn khi ngủ, vải xé băng bó và lau rửa những vết thương…
Ngộ Không tháo vành Kim-cô:
- Xưa, đây là nỗi đau, là sức ép, nó mạnh hơn cả ta. Nay, nỗi đau không còn, nhưng sức mạnh vẫn vẹn nguyên đó, lại thêm vào cả tình anh em của ta. Khá giữ lấy, phòng khi thậm nguy nan.
Bát Giới thót bụng, há miệng, ợ một tiếng, quả nhân sâm hồng tươi nguyên vẹn liền vọt ra:
- Đó, phàm những thứ nuốt chửng, dẫu có được lên ngự trên tòa sen rồi, vẫn không thể tiêu biến. Chú cầm lấy, đừng chê, nhỡ khi lỡ bữa đói lòng…
Sa Nhân Sứ bái tạ thầy và hai anh lần cuối hồi lâu, rồi quay gót thoăn thoắt xuống núi.
Ba thầy trò vẫn đứng mãi, hun hút ngóng theo… thốt nhiên, tất thảy đều rùng mình ớn lạnh, như hơi ấm đã quần bám, đã đi theo từng bước chân người họ Sa xuống dần, xuống dần, tít tắp tận dưới kia - nơi đám bụi vẩn hồng hồng vừa khỏa lấp, vừa thâu nhận thêm một hạt bụi người - Nơi xóm chợ chân núi, xao xác đủ tiếng cho gà, tiếng trâu ngựa, tiếng vẹt yểng… và tiếng Người.
Chỗ thầy trò giã biệt trên núi cao ấy, mãi sau mới có người biết! Có ba pho tượng đá, ba cặp mắt đá, không có con ngươi, nhưng vẫn rõ hướng ngong ngóng dõi theo con đường xuống núi. Nhiều người đem đèn nhang hương hoa đến bái tạ, cầu cúng. Lâu lâu nhận ra rằng: Phàm việc cao khoát quảng đại đều không mấy ứng nghiệm. Có chăng cũng chỉ ang áng lơ mơ. Vận vào bảo đúng bảo sai đều được, Nhưng những thỉnh cầu nhỏ rõ, cấp bách thì thực linh ứng. Ví như: Đói rã, khát lả. Lại ví như: Mất ngủ, lở ngứa, đau đầu, đầy bụng… thì thành tâm lễ khấn trong vòng một tuần nhang cháy trọn ắt đều được như nguyện”  


[1] - Gồm 9 bài viết. Sau đó được tập hợp lại thành quyển sách “Giải Mã Truyện Tây Du” , xuất bản vào tháng 2/1993 và tái bản có sửa chữa và tăng bổ vào tháng 12/2000.
[2] - Nhà văn Hòa Vang đã mất do bị ung thư.
[3] - Từ mục II đến hết là chép nguyên văn phần truyện Nhân Sứ. (nếu có gì sai sót là do lỗi đánh máy)
--> Read more..

Flags

Flag Counter