Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN


NANO: Trên trang ABS có điểm tin một bài viết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo về nhạc sĩ Văn Cao. Bài viết rất hay, phân tích toàn diện về thiên tài Văn Cao. NANO xin copy và trích một đoạn, phần nói về bài hát “Mùa Xuân đầu tiên”, sáng tác của Văn Cao trong năm 1975-76 để các bạn cùng đọc (Đầu để “Mùa Xuân đầu tiên do NANO đặt).
MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN
“Âm nhạc sang trọng bậc nhất nước Việt của ông còn sống mãi. Những bài hát rất hay, rất quý phái cao sang đầy chất thánh ca của ông vẫn hằng tụng ca con người, tụng ca Cái Đẹp, như một cứu cánh góp phần cứu chuộc dân tộc ta, đất nước ta đang có cơ bị diệt vong bởi chính sự băng hoại của những tà thuyết phi nhân. Xin được gọi ông bằng tên gọi thường nhật trìu mến nhất mà thế hệ đi sau ông vẫn hằng được gọi thầm tên ông: ANH VĂN; như ngày xưa thi thoảng được hầu rượu ông nơi quán rượu gần rạp xiếc. Vâng, anh Văn suốt một đời sống chết cũng chỉ vì hai chữ Nhân Văn thiêng liêng, cao cả này mà thôi...
*
“Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư...” - Trịnh Công Sơn.
Năm 2013 này là năm kỷ niệm 90 năm ngày sinh của thiên tài văn nghệ Văn Cao - người đã tự lưu đầy mình vào vĩnh cửu bằng ba tài năng lớn: hội họa, thi ca và âm nhạc. Văn Cao nhà cải cách tiền phong cả ba nghệ thuật: hội họa, âm nhạc và thi ca. Bài này chỉ nói về kiếp nhạc của Văn Cao.
Không đợi khi xuân đến, tết về như dịp này, chúng tôi mới nghe lại bản nhạc bất hủ: “Mùa xuân đầu tiên” Văn Cao khởi viết cuối tháng 12-1975, hoàn thành trong dịp tết Bính Thìn năm 1976. 
Đây là bài hát có số phận đặc biệt nhất trong cuộc đời sáng tác của Văn Cao. Đây cũng là bài hát mang nhiều tâm trạng đối lập, hòa trộn nước với lửa: vui ít, buồn nhiều, mừng ít, tủi nhiều, hoan ca ít, bi ca nhiều, tha thiết ít, nghẹn ngào nhiều, bâng khuâng ít, đau đáu nhiều, tự sự ít, ai oán nhiều, mê say ít, thở than nhiều, cứng cỏi ít, run run nhiều, da diết ít, nỉ non nhiều, cười ít, khóc nhiều, sum họp ít, cô đơn nhiều, yêu thương ít, đau thương nhiều, gặp gỡ ít, bơ vơ nhiều...
Hầu như tất cả các trạng thái tình cảm trái ngược nhau của con người đều có trong bản nhạc kỳ lạ này: ai vui hát lên thì nghe vui, ai buồn hát lên thấy buồn não ruột, ai đau khổ hát lên thấy một trời đau khổ, ai sầu thảm hát lên thấy cả một thế giới sầu thảm đang đồng cảm cùng mình…
Nghe đi nghe lại bản nhạc này, ta thấy xuất hiện trong tâm trí mình rất nhiều tâm trạng không thể dùng ngôn ngữ diễn đạt. Nếu bạn đã hoặc đang đi qua bể khổ trần gian, nghe bản nhạc “ Mùa xuân đầu tiên” bạn sẽ cảm thương, nhờ nước mắt diễn đạt nỗi lòng mình.
Riêng lời bài hát đã là một bài thơ hay:
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về 
Mùa bình thường mùa vui nay đã về 
mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên 
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông 
một trưa nắng cho bao tâm hồn. 
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về 
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về 
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên 
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh 
Niềm vui phút giây như đang long lanh. 
ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên. 
ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm. 
Từ đây người biết quê người 
Từ đây người biết thương người 
Từ đây người biết yêu người. 
Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về 
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về. 
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu 
với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông 
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.”
Rất nhiều chim én, nhiều nắng gió, có nước mắt vui gặp gỡ của đàn con nay đã về, có cuộc đời êm ấm... nhưng sao hình ảnh “khói bay trên sông, gà đang gáy trưa trên sông” lặp lại hai lần làm không gian của “Mùa xuân đầu tiên” xa xôi, bơ thờ thế, xao xác thế, hoang vắng thế, hiu quạnh thế, đơn độc có phần cô đơn thế? Chợt nhớ nỗi buồn thiếu quê hương của Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc lâu xưa, cũng một tiếng gà trưa Văn Cao nay, một khói sóng trên sông xa Văn Cao nay, u hoài khôn xiết: “một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông”
Nhật mộ hương quan hà xứ thị, 
Yên ba giang thượng sử nhân sầu. 
(Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu? 
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người!) 
Chợt nhớ Lưu Trọng Lư “thời con nai vàng ngơ ngác” với câu thơ tiền chiến xưa sao rất đồng cảm với nỗi vui não nùng Văn Cao nay: “Tiếng gà trưa xao xác não nùng”.
Bài hát như một điệu valse bằng nước mắt; sự thướt tha, quý phái của một giai điệu bi thương; sự sang trọng của ngậm ngùi, day dứt; sự lãng mạn của một phiêu linh, xô dạt; sự mê đắm của một vu vơ; sự đoan trang của cái đẹp lỡ thì; sự liêu trai của ngơ ngác, đìu hiu; sự dịu dàng của nỗi thương đau, xót nhớ...
Chừng như đã mấy chục năm chiến tranh liên miên chưa từng có xuân về? Chừng như gần hết cả đời người bận chuyện đấu tranh giai cấp giành giật miếng ăn chưa từng thấy chim én báo xuân? Chừng như đã rất lâu rồi sự căm thù trùm lên xã hội không còn ai biết thương người? Chừng như đã lâu lắm rồi ta tha hương trên chính quê hương mình? Chừng như suốt mấy cuộc chém giết kinh hoàng mạo danh cách mạng, không còn ai biết yêu con người? Chừng như mấy mươi năm rồi con người đã quên mình còn nước mắt? Chừng như lâu rồi tâm hồn người không được sưởi nắng mùa xuân?
Và chừng như lâu lắm rồi Văn Cao quên không còn nhớ mình từng là nhạc sĩ lãng mạn đã có cả chục ca khúc vào hàng kiệt tác? Chừng như cây đàn piano cũ kỹ do Hội nhạc sĩ Việt Nam cho Văn Cao thuê mỗi tháng 07 đồng, (thuê căn gác chật hẹp cũ kỹ 108 Yết Kiêu 15 đồng) đã bị thời gian phủ bụi đầy rêu mốc? Chừng như đôi tai Văn Cao đã bị súng đạn thời cuộc, sự hò hét xướng ca hò vè phục vụ chính trị một thời làm ù đặc, khi tất cả các kiệt tác âm nhạc của ông đều bị chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa (Miền Bắc) cấm hát, trừ bài quốc ca (kể cả thơ Văn Cao cũng bị cấm)?
Và chừng như toàn bộ vết thương cuộc đời Văn Cao, vết thương cuộc đời dân tộc, bỗng mượn ngón tay ông mà nhỏ xuống cây đàn piano những giọt nước mắt giai điệu, khiến những vết thương chợt mở miệng ca hát: “Mùa xuân đầu tiên” 
Chừng như nỗi niềm ngày 30 tháng tư năm 1975: “có một triệu người Việt Nam vui thì cũng có một triệu người Việt Nam buồn” (lời ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã hiện ra nơi bài hát: “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao? Trong bài hát ấy, kỳ lạ thay, tôi nghe có một nửa nước vui thắng trận trào nước mắt và một nửa nước buồn thua trận cũng trào nước mắt, chợt ôm chầm lấy nhau mà quằn quại, mà dằn vặt giằng xé nhau, cười khóc mếu máo bầm dập nhau, nên vui ấy sao buồn hiu hắt thế, lênh đênh phiêu bạt thế, nức nở nghẹn ngào thế? 
Có lẽ, chính vì những điều trên mà kiệt tác “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao sau khi được báo “Sài Gòn giải phóng” in trước tết Bính Thìn: 01-01-1976, được hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam mấy lần liền bị cấm suốt 24 năm (1976-2000). Sinh thời, Văn Cao không được nghe, được nhìn thấy đứa con tinh thần lớn lao này của mình được trình diễn. Sau khi ông mất (1995) 05 năm…”

Trần Mạnh Hảo





8 nhận xét:

  1. 1- Không có lý lẽ gì để hạch tội thì cách tốt nhất là cấm, đấy là văn hóa võ biền của một thời.
    2- Một dạo Văn Cao buộc phải đi thực tế sáng tác ở Tây bắc, mưa lũ to quá phải vào ở nhờ lán bu 2 ngày. Có lần Bu hỏi: Bác văn Cao à ca khúc Lời ca gửi nọong của ông Tuệ hay thế sao lại cấm hát. Văn cao tròn mắt nhìn bu hỏi to ai cấm, Lưu Hữu phước cấm chứ gì, chú mày thích thì cứ hát. Ngày nay còn ai cấm Mùa xuân đầu tiên của ông thì chúng ta cứ hát vậy.
    3- Một con người tuyệt Vời như Văn Cao mà người ta hành ông đủ thứ. Nhà thơ Xuân Diệu cơ hội vào loại số 1 viết về Văn Cao: "Sự dối trá đã trở thành xương tủy của Văn Cao".
    Chao ôi là một thời!!!!

    Trả lờiXóa
  2. Trần Mạnh Hảo viết bài phân tích này hay thế, tuy nhiên những nhà phê bình nhiều khi cũng hay gắn thêm cho tác phẩm những phát hiện mới mà chưa chắc tác giả đã có ý đó khi viết tác phẩm của mình. Được một lần bội thực vì bữa tiệc chữ nghĩa của Trần Mạnh Hảo!

    Khi nghe bài hát này em có cảm giác vui vui, và một chút xao xuyến nhẹ nhàng trước không khí xuân đang về, có lẽ vì là hậu sinh, không trải qua những trầm luân thời của Văn Cao nên không cảm nhận được hết mọi ý nghĩa buồn vui của bài hát!

    Trả lờiXóa
  3. Lần đầu tiên nghe bài này, Ruchung tôi tưởng Văn Cao viết từ mùa xuân 1945. Tác phẩm thật bất hủ, tuy nhiên điệu valse nghe hơi... tây.

    Trả lờiXóa
  4. Nhà thơ Nghiêm Bằng – con trai thứ của nhạc sĩ Văn Cao kể về sự ra đời của “Mùa xuân đầu tiên”:

    “Đó là một đêm vào giữa tháng 12-1975. Chúng tôi đang sống với cha mẹ trong ngôi nhà số 108 Yết Kiêu. Mùa đông Hà Nội rét tê tái. Cha tôi đã từ lâu rồi không đàn. Vậy mà trong đêm ấy, tôi nghe có tiếng chân nhè nhẹ lần từng bước từ phòng trong ra gần chiếc đàn piano - đối diện với chiếc đivăng tôi đang ngủ.
    Một giai điệu khe khẽ vang lên, nó được đàn bởi một bàn tay phải. Cũng phải nói thêm là cha tôi đã đàn trên chiếc đàn vốn được Hội Nhạc sĩ VN cho thuê lại với giá 7 đồng rưỡi một tháng (lương tôi hồi đó là 63 đồng, còn tiền thuê nhà là 15 đồng); từ ngày kỷ niệm 30 năm Tiến quân ca (1974), chiếc đàn mới được tặng hẳn cho cha tôi thì cha lại rất ít có dịp dùng đến.
    Bài hát đã được báo Sài Gòn Giải Phóng số năm mới 1-1-1976 in trang trọng ở bìa 4 và thu thanh ngay sau đó, được phát trên sóng Đài Tiếng nói VN, nếu tôi không nhầm thì do ca sĩ Trần Khánh và đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói VN trình bày. Bài hát được phát khoảng mươi lần trong chừng một tháng (hồi ấy ca khúc được truyền bá chủ yếu qua sóng phát thanh), rồi không hiểu sao lặng lẽ chìm đi, như thể bị quên lãng.
    Như mọi lần, trong suốt mấy chục năm, cha không tỏ ra bực bội gì, chỉ hơi buồn thôi. Cha tôi nói chắc chắn bài hát sẽ có ngày được hát lại và mọi người sẽ yêu nó. Và như mọi lần, cha tôi lại đúng. Chỉ có điều lúc đó cha tôi không còn nữa. Khi bài hát lần đầu tiên được phát trên sóng truyền hình Việt Nam năm 2000, cha tôi đã mất được năm năm.”

    Trả lờiXóa
  5. Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng uyển chuyển, như một điệu valse.
    Ca từ giàu cảm xúc, sâu lắng và đẹp như một bài thơ.

    Cảm ơn Bạn đã cho đọc bài viết hay.

    Trả lờiXóa
  6. Gió biết Văn Cao từ những ngày còn con gái với suối mơ, bến xuân, buồn tàn thu... và gần bài hát gần như cuối cùng Gió biết của người nhạc sĩ đáng kính này là "Mùa Xuân đầu tiên".

    Dù khi viết ông đã nhả những nốt nhạc bằng những cảm xúc gì thì Gió cho là cũng hợp lý thôi. Bằng ấy năm của những đau thương đi dọc chiều dài tổ quốc thì sự chuyễn đổi nhanh chóng được coi là "thần kỳ" cũng ko chỉ thể là niềm vui, là hạnh phúc. Cảm xúc của người làm chính trị mang gán ép cái cảm xúc tinh tế, đầy mâu thuẫn một cách tự nhiên của người nghệ sĩ thì quả là hơi buồn cười...

    May mắn là dù sao ông còn những khán giả...những người yêu ông. Nghe "mùa xuân đầu tiên" đúng là giữa réo rắt niềm vui vẫn man mác buồn_ điều mà nhiều người bảo là "Dự cảm của Văn cao" ..Gió thì cho là đó là cảm xúc giữa những "niềm riêng trong đời mình" hòa chung với những "niềm riêng của dân tộc" để VC có Mùa xuân đầu tiên theo cách đó . Dù sao vẫn cám ơn bài viết của TMH và cám ơn anh Nano đã chia sẻ

    Trả lờiXóa
  7. Mỗi vần thơ hay một khúc nhạc ...hình như đều nói lên tâm trạng và cảm xúc của những người đã sáng tác ra chúng ...thế nên , lời thơ và lời phổ nhạc đều toát lên những âm điệu có hồn và thật lắng đọng ...hôm nay qua thăm anh Nano , đọc bài viết quá hay đó anh Nano ạ ...

    Trả lờiXóa
  8. Đây là một bài hát mừng xuân mới nhưng khiến ta rưng rưng xúc động... Mùi thuốc sung còn đang nồng nặc mà Văn Cao đã có những cảm nhận như vậy, thật là một nghệ sĩ lớn...

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter