Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

NHẤT CHI MAI



NHẤT CHI MAI

Trang trí bày biện phòng khách đẹp, sinh động và ấm cúng là việc làm đầu tiên để chuẩn bị đón Tết, đón Xuân, trong đó một điểm nhấn quan trọng không thể thiếu là phải có  hoa ĐÀO hoặc hoa MAI.
Hàng bao đời nay, đào Nhật Tân đã là biểu tượng đón Tết của đất Thăng Long. Một cành đào/cây đẹp, thì các nhánh vươn ra xung quanh đều đặn và uốn con lên như hình cái nơm úp ngược, trên đó hàng trăm, hàng ngàn nụ hoa, bông hoa nhuận sắc hồng tươi gợi một cảm giác ấm cúng mà dung dị chân chất, rất hợp với tranh Đồng Hồ, tràng pháo, câu đối đỏ,… Nhược điểm của đào chính là mau tàn và đặc biệt khi đã hết Tết thì cành đào không hợp nữa, dần trở nên vô duyên... không giống như mai
À mà chưa bao giờ trong nhà mình có một cây mai ngày Tết. Điều này mặc nhiên có vẻ đúng với câu thành ngữ “Mai nam, Đào bắc”. Tuy vậy, mình vẫn thích mai. Cây mai rất đẹp, cân đối, có nhiều thể, nhiều dáng sinh động, nho nhã thâm thúy, cánh hoa vàng luôn làm không gian trong phòng rực sáng như nắng Xuân tràn vào. Mai đẹp trang trọng, quý phái. Những cô gái mang tên hai loài hoa Đào và Mai cũng gợi hai hình tượng khác nhau. Cô gái có tên Đào thì đó là nhân vật của ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng / sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” hay của thơ Nguyễn Bính: “Hôm qua em đi tỉnh về / hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Trong khi những cô gái tên Mai thường là các nhân vật của tiểu thuyết lãng mạn, của nữ sinh trường Trưng Vương (HN) hay Đồng Khánh (Huế). Tao nhân mặc khách nào bặt gặp các thiếu nữ HN, Huế có tên Mai này thì dễ bị sét đánh, mà ngày xưa gọi là si tình.
Chợt nhớ một chuyện đã lâu lắm rồi, lần đầu tiên bác Bu dẫn mình đến thăm nhà T-Dũng[1] tiên sinh ở Quảng Bình. Hôm ấy, trong lúc đang đàm đạo sôi nổi, ngắm những bức ảnh giàu cảm xúc, thì đức phu nhân của tiên sinh về, nàng nhỏ nhẹ duyên dáng chào khách rồi đi nhanh vào nhà dưới. Trong khoảnh khắc ấy mình kịp nhìn thấy gương mặt T-Dũng  bừng sáng, miệng tủm tỉm, hai tay chắp trước ngực , đầu hơi cúi xuống rất tinh tế… Trên đường về bác Bu bảo danh tính phu nhân T-Dũng là Mai. Linh cảm mình thế mà đúng. Cuộc đời của Thánh Quát từng ngang tàng khí phách, không sợ cường quyền, vậy mà phải cúi đầu trước trước vẻ đẹp của hoa mai:
“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
 Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”
(Mười năm bàn đạo giao du, kho như tìm gươm kiếm cổ / Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai)
thì cử chỉ bắt gặp ở T-Dũng tiên sinh hôm ấy chẳng có gì ngạc nhiên. Cây mai của Thánh Quát cũng chỉ đứng yên một chỗ giống như cây mai đứng ở sân trước của Mãn Giác thiền sư: “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đêm qua sân trước một cành mai), còn cây mai của T-Dũng tiên sinh thì di động, dáng luôn thay đổi, rất sinh động. Thế nên T-Dũng “đê thủ bái mai hoa” là phải đạo rồi. Đó cũng là kết quả của câu chuyện T-Dũng bị “sét” đánh lăn quay tại Huế ngày nào:
Chuyện rằng, hồi nhỏ, T-Dũng học hành chăm chỉ và cũng có hơi nghịch. Một lần T-Dũng cùng mấy bạn vào trong sân một cơ quan của tỉnh chơi, lừa lúc bảo vệ không để ý,  đã cùng nhảy lên một chiếc xe com-măng-ca, nổ máy, lái băng qua cổng rồi vi vu trên đường cái quan. Người đi đường nghe trong xe vang lên giọng của tốp ca nam nhiều bè bài “Chào em cô gái Lam Hồng”. Thế rồi do trình độ tay lái quá lụa , xe đánh võng, uốn lượn liên tục rồi bất ngờ bay xuống ruộng. Các chàng trai lăn lộn nháo nhào va vào nhau, một cậu bị răng của ai đó cắm vào đầu đúng vào vị trí nơ-ron hóa học nên khi đi thi toàn bị trượt môn Hóa. Riêng T-Dũng nơ-ron ngôn ngữ vẫn còn nguyên vị, nên sau này viết lách rất chặt chẽ, ngôn ngữ chuẩn xác, nói năng rất có duyên dễ lay động lòng người. Với thành tích như phim hành động đó, thân phụ quyết định cho vào lính để phát huy sở trường. Từ đó T-Dũng băng rừng lội suối, lúc thì trườn như rắn, lúc thì vọt bám vào tường như thạch sùng, lúc thì trèo cây thoăn thoắt như từng được tôi luyện ở Hoa Quả Sơn, thoắt ẩn, thoắt hiện, “lai vô ảnh, khứ vô hình”… Những tưởng sẽ mãi đi mây về gió, dọc ngang trời đất. Thế mà chỉ một lần dừng chân tại Huế, bất ngờ gặp một tiểu thư tên Mai thì hai tay cứ ríu lại, chân nọ đá chân kia, đi đứng không vững như người say, sức mạnh thường ngày bị ai thu mất, giống như dũng sĩ Ac-Quyn bị nhấc bổng khỏi mặt đất. Cũng từ đó coi như đã “bó giáo lai hàng”, ngày đêm nhớ nhớ nhung nhung. Đúng là:
Mỹ nhân hề ! Mỹ nhân,[2]
Bất tri mộ vũ hề ! Vi triêu vân
Tương tư nhất dạ mai hoa phát
Hốt đáo dông tiền nghi thị quân
(Người đẹp này, người đẹp / Chừ là mưa chiều hay mây sớm / Một đêm nhớ nhau, mai nở / Nhìn hoa trước cửa sổ, ngỡ bóng nàng.)
Khi ba tỉnh tách ra, chàng lại xuống tấn bê nguyên cả “CÂY MAI” lên xe máy rong ruổi trở về QB, Trong cái gió Lào khắc nghiệt của mùa hè, xe vẫn bon bon, miệng huýt sáo vang, nhưng không phải giai điệu “Chào em cô gái Lam Hồng” mà là gia điệu bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…”. Cũng từ đó  “đê thủ bái mai hoa” trở thành automatic. Thỉnh thoảng có thể do thời tiết, “CÂY MAI” hơi thiếu nhuận sắc thì hàng xóm lại thấy tiên sinh T-Dũng nổi cơn đảm đang, lau nhà như máy, hai tay vươn ra phía trước, đẩy lên kéo xuống, một bước lùi hai bước tiến, động tác uyển chuyển như các cô gái ngư thủy chèo thuyền, cất giọng hát nhè nhẹ “Nếu ai hỏi vì sao ?... khoan khoan hò khoan…” tuyệt vời. Bác Bu đứng quan sát T-Dũng lau nhà thì cười mỉm, gật gù có vẻ ngạc nhiên. còn mình thì rất tâm đắc, bởi đấy T-Dũng đang góp phần chăm chút, vun xới để “Cây Mai” luôn đâm chồi nảy lộc…
Năm mới sắp đến, NANO tản mạn vài dòng về Mai. Nhân đây, chúc cho phu nhân T-Dũng tiên sinh và bạn của mình: Thụ Mai (nick Gốc Mai) mãi mãi đẹp tươi và rực rỡ sắc Xuân…


[1] Tên người bạn đã được thay đổi - hehehe
[2] Thơ Lô Đồng (thời Đường)

27 nhận xét:

  1. May quá, được là người đầu tiên đọc bài này, vui quá!

    Trả lờiXóa
  2. Chưa biết là mình có được "mãi mãi đẹp tươi và rực rỡ sắc Xuân… " hay không? Nhưng vừa đọc hết bài thấy mình được anh Nano xếp vào: "bạn của mình: Thụ Mai (nick Gốc Mai)" thì thấy trong lòng rất vui và cười thật tươi sau một ngày quá căng cho cái đầu của Bà già này.. hihi

    Trả lờiXóa
  3. Hoa đào và hoa mai đều đều là biểu tượng cho ngày tết của người Việt. Hoa đào ở bắc hoa mai ở nam. Khí hậu mỗi miền hợp với mỗi loại hoa đã trở thành biểu tượng.
    Có một thực tế thế này:
    1- Trong tứ hữu là Mai, Lan, Cúc, Trúc, (chớ không phải Đào, Làn, Cúc, Trúc)
    2- Mãn Giác Thiền sư (1052-1096) quê ở bắc thời Lý nhân Tông. Trong bài Cáo tật thị chúng có câu sau cùng là "Đình tiền tạc dạ nhất chi mai" chứ không phải nhất chi đào. Cho dù trước sân của ngài có đào chớ không có mai (900 trước hoa mai ở khu vực Chiêm Thành)
    3- Thánh thơ Cao Bá Quát quê ở làng Phú Thị Gia Lâm Hà Nội xứ sở của hoa đào có câu nỗi thơ tiếng " Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" chớ không phải bái đào hoa
    4- Bạn Trần Thụ Mai ( TTM Gốc Mai) sinh ở ngoài bắc nhưng ông bố vẫn đặt là tên con gái là Thụ Mai chớ không phải Thụ Đào
    Đó là thực tế chớ bu tui không định bảo Hoa Mai quý hơn sang trọng hơn Hoa Đào

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Bu ơi! thật là thiếu khiếm tốn khi nói mình cảm thấy rằng khi đọc xong những luận chứng logic này của anh, lại cảm thấy thật tự hào khi sở hữu được cái tên Mai này, nhưng vì M chưa tìm được điều gì khả dĩ để dìm đi được những câu cú thanh tao mà người xưa đã áp lên cành mai vàng khẳng khiu này. Mặc dù M đang dịch bài 一生低首拜梅花 của một học giả người Trung Quốc 萧丁 nói về:

      "宋代高士林和靖愛梅花愛得髮痴。他隱於杭州西泠,既不出仕,也不娶妻,成天養鶴賞梅,自稱“梅妻鶴子”。

      tống đại cao sĩ lâm hòa tĩnh ái mai hoa ái đắc phát si 。tha ẩn vu hàng châu tây linh ,kí bất xuất sĩ ,dã bất thú thê ,thành thiên dưỡng hạc thưởng mai ,tự xưng “mai thê hạc tử ”

      Thời nhà Tống có Cao sĩ Lâm Hòa Tĩnh yêu hoa Mai đến phát dại khờ. Ông ta đến Tây Linh Hàng Châu ở ẩn, đã không xuất sĩ, cũng không lấy vợ, cả ngày chỉ nuôi hạc thưởng mai, tự xưng là "Mai thê Hạc tử" (Vợ là hoa Mai, con là chim Hạc)"


      Để M dịch xong sẽ trở lại xem có gì chia sẻ thêm bớt với anh Bu về Cành Mai này được chăng.!!

      Tuy nhiên có một điều là dù Thánh thơ Cao Bá Quát đã Nhất sinh đê thủ bái mai hoa, nhưng chắc ông không lấy hoa Mai đặt tên cho con cháu mình. Chỉ riêng Ông bố họ Trần của M lấy tên Mai đặt tên cho con gái mà thôi. Rồi mà có một lần thủa còn thơ, M trong lúc đọc ý nghĩa các loài hoa, đã đọc được rằng: Hoa Mai tượng tưng cho tình tôi không được đền bù. Lúc ấy cô nàng thiếu nữ ấy chỉ mỉm cười.. hihi bây giờ Bà già ấy cũng luôn mỉm cười với nhân gian và với chính mình.





      Xóa
    2. Thụ Mai, không phải Thụ Đào,
      Nên chi lớn mới phải vào trong Nam
      Để Mai rực rỡ sắc vàng,
      Để cuộc đời mãi ngập tràn nắng Xuân

      hehe...

      Xóa
  4. Anh Nano ơi! M có entry nhỏ về cành Đào ở Văn Miếu, anh qua để phản biện lại cái còm này của anh Bulukhin đi ạ! M vẫn bị bí vì chưa tìm được bài viết nào nói về cành Đào rực rỡ sắc xuân hồng này cả.

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết hay quá! Chân dung bạn bè dần dần đẹp lung linh dưới ngòi bút tài hoa của bác Na No (Mà em đoán ra người bạn T-Dũng đấy là ai rồi,hehehe)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghe giọng cười của Thuthuy lại có chút tò mò hihi

      Xóa
    2. Chàng Tê-Dũng đẹp lung linh,
      Thế nên mới có mối tình nàng Mai,
      Biết rồi Tê-Dũng là ai (hehehe)
      Khỏi vờ bí mật như ngài Lốc-Hôm.

      Xóa
    3. Các người khôn (Thu Thuỷ, TTM Gốc Mai, NANOBOBI) đều "ănnói giữa chừng" cả, biết đằng nào mà lần...
      [img]http://blog.yimg.com/1/jPa0ZH17s58W5m38mpjwWXL5i.jWJBxJCnU0UlabA52LpNipxEoYnQ--/62/l/ix9KFcVT1fjNbnnIEZqw0A.jpg [/img]

      Xóa
    4. Thu Thủy ơi! hình như hôm nay chị cũng đoán ra T-Dũng là ai rồi đó em ạ!

      Xóa
    5. Người khôn ăn nói giữa chừng,
      Để người không dại nửa mừng nửa...vui (hehe)

      Xóa
  6. Trong nắng xuân Hoàng Mai sắc thắm
    Sẽ không xuân nếu chẳng có Mai
    Tình Mai tô thắm mọi nhà
    Hương xuân ngan ngát lòng ta rộn ràng
    .
    Đọc bài NHẤT CHI MAI của NaNo Tiên Sinh thật thú vị. Jen tài hèn sức mọn cũng xin góp mặt chia vui mừng đón xuân về.

    Trả lờiXóa
  7. Đang bận chủ trì tổ chức offline cùng bạn bè chuẩn bị đón Tết mà vẫn có thời gian ghé thăm tệ xá của NANO là quý lắm rồi. Rất cám ơn và chúc người đẹp Jen đón Tết, đón Xuân vui vẻ, năm mới gặp nhiều may mắn.
    "Tình Mai tô thắm mọi nhà,
    Hương Xuân ngan ngát lòng ta rộn ràng"

    Trả lờiXóa
  8. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  9. Bạn TTM à cái thuyết "Hoa Mai tượng tưng cho tình tôi không được đền bù" là do tác gỉa nào viết ra vậy. Bu khó tin quá, vì nếu đúng thế thì cả miền nam này người ta chẳng trồng hoa mai làm gì. Về hoa lá bu tuihơi bị dốt, nhưng vẫn bị ông nhà thơ TẾ HANH mê hoặc bởi hai câu thơ:
    Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa
    Hoa cú vàng như nỗi nhớ day dưa.
    Bu đã đến Hàng Châu (Tàu) và ngẩn ngơ trước rừng phong lá đỏ. Cách đây mấy tiếng lại bàng hoàng trước màu vàng hoa mai trên các đường phố Vũng Tàu chuẩn bị đón tết. Đúng là màu vàng làm người ta nhớ day dưa...nhớ gì, nhớ ai,nhớ đến chừng nào, là tối mật họa may có trời biết.
    Tức là hoa mai vàng đã được đền bù và yêu dấu đấy thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Nhớ gì như nhớ người yêu,
      Trăng lên đỉnh núi sớm chiều lưng nương" (Tố Hữu)

      Xóa
    2. Anh Bu ạ! Ngày còn bé M đọc ý nghĩa các loại hoa ở sách vở, sau này cần tìm lại thì không biết lạc đi đâu, còn những sách sau này thì nói cho có nói, không có cơ sở dẫn chứng nữa. Nhưng vì nó liên quan đến tên mình nên hình như nó cứ gắn chặt vào tiềm thức. Mà gắn chặt vào tiềm thức thì rất nguy hiểm. Nhưng không biết làm sao để gỡ ra được nữa bây giờ!

      Mà Trưởng Lão Bu hôm nay thật lãng mạn đó nha, M đọc những cảm xúc của anh trước sắc Mai vàng trên các đường phố Vũng Tàu cũng cảm thấy cảm động thay cho những chậu mai nơi ấy! Có lẽ những luồng cảm xúc bàng hoàng của Trưởng Lão đã truyền vào làm cho những nhành Mai thêm đậm sắc vàng, những nụ Mai thêm chúm chím no tròn hơn trước nắng và gió biển Vũng Tàu, chỉ còn đợi giờ phút thiêng liêng là bung nở vàng trước gió xuân. Chắc những nhà vườn Mai nơi ấy cũng không ngờ vì sao mà Mai của họ năm nay nở thắm như thế đâu Trưởng Lão Bu ơi! :)

      Xóa
    3. Bu tui mà Trưởng Lão
      Chùa chiền thành chỗ tu
      Phật, Nho, Hồi , Chúa, Lão
      Cãi nhau cứ lu bù

      Xóa
    4. Bu cứ là Trưởng lão
      Cho chùa chiền lao xao
      Dù có cãi nhau rộn rã
      Còn hơn chỉ.. khều khào.

      Xóa
  10. Thế là tên của cháu không được nhắc đến trong ca dao hay tiểu thuyết rồi :))
    Hoàng Mai luôn luôn rực rỡ. Cháu đã từng ngẩn ngơ trước một rừng hoa mai ở đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn đấy ạ.

    Trả lờiXóa
  11. MAI HOA. (Trích Entry)

    [img] http://blog.yimg.com/1/jPa0ZH17s58W5m38mpjwWXL5i.jWJBxJCnU0UlabA52LpNipxEoYnQ--/7/l/O.vZ4BPjkEizMZveaFCB5g.jpg [/img]
    Thư pháp chữ MAI

    Bức thư pháp chữ MAI với bộ Mộc bên trái để chỉ Cây Mai / Hoa Mai, viết theo lối "thảo", thủ bút của nhà thư pháp trẻ HẢI TRUNG tặng được treo trang trọng ở nhà Ruchung tôi từ hơn chục năm nay. Dòng chữ nhỏ bên phải: " Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" có nghĩa là : Một đời ( tôi) chỉ biết cúi lạy hoa mai là rút ra từ câu :Thập tải luân giao cầu cổ kiếm / Nhất sinh đê thủ bái mai hoa ( Mười năm lặn lội tìm cây kiếm cổ / Một đời chỉ biết lạy hoa mai ) của Cao Bá Quát. Tại sao CAO TIÊN SINH lại kính trọng MAI HOA thành tâm và "vĩnh cửu" (một đời) đến vây? Đơn giản bởi ông là bậc quân tử chân nho. Trong khi đó MAI HOA, dù thầm lặng thế nhưng lại là kẻ đứng đầu trong bộ TỨ QUÝ (Mai, Lan, Cúc, Trúc) danh giá ; một "trang" quân tử đích thực theo quan niệm của các bậc nho gia. Bởi vậy, một người ngang tàng trọng nghĩa khinh tài như họ Cao mà phải cúi đầu bái mai hoa đến tận chung thân, mới thấy hoa mai chẳng những nhẹ nhàng thanh tao mà còn "bất khuất" biết nhường nào! Hơn thế, màu vàng của hoa Mai tượng trưng cho sự cao sang, cao thượng, hiển vinh. theo các nhà Dịch học, Màu vàng thuộc hành Thổ trong ngũ hành- Thổ nằm ở vị trí Trung Ương, theo đó còn tượng trưng cho Vua chúa đầy quyền lực. Vừa mềm dẻo, vừa quyền uy, vừa dân dã lại vừa cao sang, Mai hoa thực sự đã đem đến cho đa số nòi giống Việt sự yêu chuộng Mai vàng, đặc biệt là vào những ngày đầu năm mới.
    Một MÙA XUÂN mới đã đến! Một Mai tiết nữa lại luân hồi. Theo đó, bậc quân tử MAI HOA lại trở về, đúng hẹn, khiêm nhường, nhưng xem ra danh bất hư truyền...

    [img] http://blog.yimg.com/1/jPa0ZH17s58W5m38mpjwWXL5i.jWJBxJCnU0UlabA52LpNipxEoYnQ--/93/l/xLtHuXXFdpa5bMeGCBpIoA.jpg [/img]

    [img] http://blog.yimg.com/1/jPa0ZH17s58W5m38mpjwWXL5i.jWJBxJCnU0UlabA52LpNipxEoYnQ--/62/l/ix9KFcVT1fjNbnnIEZqw0A.jpg [/img]




    Trả lờiXóa
  12. Qua bài viết nghiên cứu kỹ càng của RC đủ thấy tấm tình của RC đối với phu nhân của mình. Mai vàng được chăm chút năm nay chắc nở đẹp lắm đây.

    Trả lờiXóa
  13. Ôi, mai cao quy và ẩn chứa uy lực mạnh mẽ thế thì em... kính nhi viễn chi thôi. Em không biết vừa lau nhà vừa hát đâu.

    Trả lờiXóa
  14. Chào bạn ! Qua nhà bạn cho biết coi chủ nhân của mấy câu thơ dễ thương bên nhà mình là ai ? Thật vui vì bạn cũng thích có cành mai trong nhà. Mình thì ngày tết mà không có mai là cứ thấy thiếu thiếu gì đó, làm như là không hên á. Nên kiểu gì cũng phải trồng vài cây mai trong nhà cho ...tết cả năm.
    biết nhà bạn rồi, mình sẽ qua thăm bạn thường xuyên nha.
    chcu1 bạn cùng gia đình nhừng điều tốt đẹp, may mắn nhất hén !

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter