Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

NHÂN SỨ



NHÂN SỨ

 BoBi: Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân từ khi ra đời đến nay đã trên bốn thế kỷ, nhưng vẫn được nhân dân TQ yêu thích và truyền tụng. Ở Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên để hiểu thấu đáo được tác phẩm là điều không đơn giản. Tháng 9/1991, ông Lê Anh Dũng đã cho đăng trên “Văn hóa và Đời sống” một loạt bài với tiêu đề chung là “Giải Mã Truyện Tây Du”[1]. Bằng một kiến thức uyên thâm về Phật học, Đạo học và Thiền học, ông LAD đã luận giải rất sâu sắc về một số sự kiện và bốn nhân vật của  chuyến Tây Du. BoBi nghĩ những người yêu thích Tây Du Ký nên có quyển “Giải Mã Truyện Tây Du” này trong tủ sách cá nhân.
Trong Entry này, BoBi trích đăng lại truyện ngắn NHÂN SỨ của cố nhà văn Hòa Vang[2] để các bạn tham khảo một cách nhìn khác về các thầy trò Đường Tăng. Truyện ngắn này đã từng được giải báo Văn Nghệ, và sau đó được đăng lại trong “Ánh Trăng” là tập truyện ngắn được giải năm 1991.
NHÂN SỨ


Tóm tắt phần đầu truyện Nhân Sứ: Phần đầu nói về bệnh mất ngủ ở Tây Thiên. Phật Tổ không ngủ được vì bị ngứa ở ngón tay, đó là di chứng do nước tiểu của Đại Thánh (chỉ có lá dấu ở Ngũ Hành Sơn mới chữa được). Sa Ngộ Tĩnh một hôm choàng thức giấc, và hình ảnh toàn bộ chuyến đi lần lượt trở lại trong ký ức, trong đó hình ảnh mỗi lần đại ca Tôn đánh yêu quái thì đều bị Đường Tăng tìm cách cản trở hoặc thương cảm. Ngộ Tĩnh chợt nghĩ: “- Hay là… sư phụ ta là... siêu yêu quái”. Vì ý nghĩ dằn vặt đó mà Sa Ngộ Tĩnh cũng không thể ngủ lại được nữa. Sau đây là phần II và phần III của truyện:

“II. Hội tuyển Nhân Sứ[3].
Rạng sáng rồi nắng đẹp.
Chuông chùa Lôi Âm bỗng dóng dả từng hồi dài. Có một đoàn thường nhân đủ nam phụ lão ấu tới chiêm bái Tây Thiên, kính mong được tiếp kiến đàm luận thân ái hòa đồng với một Nhân Sứ.
Nghe báo, Như Lai điềm đạm:
- Một Nhân Sứ - một sứ giả, một đại diện của con người nơi Tây Thiên này ư? Để ta ra trước xem.
Như Lai xuất hiện, hào quang ngũ sắc tỏa sáng lòa nơi thêm cơ Lộc Uyển ngay trước Lôi Âm tự. Ánh sáng cũng làm phừng phừng lung linh luôn cả đoàn người đang đập đầu bái Phật. Tiếng Ngài lồng lộng:
- Chính ta ra tiếp các ngươi đây.
Vị trưởng lão dẫn đầu đoàn người bèn chắp tay thưa lên:
- Kính lạy Đức Chí Tôn, vinh hạnh này thật khôn kể xiết. Nhưng… Chúng tôi muốn gặp một Nhân Sứ đích thực. Ngài đã từng là Thái tử Tất Đạt Đa xưa, từng có vợ có con, từng đã là một người. Nhưng điều đó đã quá lâu rồi. Bây giờ, tượng Ngài ở khắp mọi nơi, và dẫu bằng gì: đất, đá, đồng đen hay gỗ mít phủ sơn then, bê tông cốt thép hay nhựa tái sinh… thì bất phân chất liệu, mọi người cứ thấy là đã tự nhiên hương khói nghi ngút, chắp tay quỳ rạp, mọp đầu, thổn thức hoặc ríu rít cầu khẩn. Đối với một người ai lại như thế? Xin Đức Chí Tôn lượng thứ.
Như Lai gật gù, đoạn khoan dung hỏi tiếp:
- Vậy, liệu kẻ nào nơi đây gần gũi nhất với các ngươi? Hay là bốn thầy trò cái đoàn đã đi lấy kinh của ta về phổ độ cho các ngươi?
- Dạ… có lẽ là vậy.
Như Lai quay lại phất áo:
- Bớ Thiên Đàn Công Đức Phật!
Từ sau lưng Phật Tổ, Đường Tăng khoan thai đi ra, từng  bước như nhún theo tiếng nhạc. Nhưng cả đám thiếu nhi bỗng nhao nhao:
- Chúng cháu không nói chuyện với ông này đâu.
- Miệng ông ấy luôn bảo: Thật thà là căn cốt của người tu hành, nhưng chính ông ấy lại mở đầu việc thâu nạp đồ đệ bằng một điều dối trá, lừa Tôn Ngộ Không mặc vào bộ quần áo trấn yểm và đội chiếc mũ Kim cô… Trùm bịp bợm, xấu lắm!
- Khi mắc nạn vụ mấy quả nhân sâm, ông ấy đã đe Tôn Ngộ Không: “Nếu không tìm được cách thoát thì ta lại niệm chú” Người nhân hậu tử tế ai lại lấy cái đau đớn lăn lộn của đồ đệ, làm sức ép bắt bí, cốt hòng thoát cái thân mình như thế bao giờ…
- Ông ấy chỉ nhằm đạt mục đích của mình toàn bằng công sức người khác, toàn những người tài giỏi, hữu ích hơn ông ấy bao nhiêu…
- Ông ấy là một con người giả. Chúng cháu ghét ông ấy lắm.
Như Lai còn đang ngạc nhiên thì Đường Tăng đã xấu hổ, che mặt quay vào.
Phật Tổ hướng về phía đám trẻ:
- Chắc bọn bay chỉ thích được găph Tôn Ngộ Không?
Chúng thiếu nhi liền vui sướng dạ ran.
Một cái phẩy tay của Như Lai, Đấu Chiến Thắng Phật nhảy phóc ra, quắp một chân, vòng tay, nhún mình chào:
- Lão Tôn đây!
Nhưng lão trượng trưởng đoàn đã đứng dậy, vòng tay:
- Kính thưa Đại Thánh, lòng chúng tôi thảy đều xiết bao yêu kính, thích thú Đại Thánh, không riêng gì đám trẻ con kia. Nhưng há có thể gọi Ngài là người được chăng? Hẳn Đại Thánh còn nhớ thuở Ngài qua Đông Hải Thần Châu, dạt vào bờ, phải ra chợ nhót lấy áo quần mũ hài của đám người lơ đễnh, rồi học đi, học đứng, học nói, học ăn đũa… sao cho tạm ra cái dáng người mà trà trộn được. Rồi đến khi đã đủ đầy quyền phép, Ngài cũng vẫn phải để cái đuôi mình thành một ngọn cờ đuôi nheo sau miếu. Tóm lại, xin Đại Thánh tha lỗi, trước sau ngài vẫn chỉ là một con khỉ, không thể gọi là một con người.
Đấu Chiến Thắng Phật gãi tai cành cạch rồi cười khẹc khẹc vang động.
- Chí phải! Cái lão già chắt chút ta này nói chí phải. Ta biến nhé!
Dứt lời, nhún mình, mất tăm dạng. Chỉ còn thấy dư âm khẹc khẹc đã lẫn váo phía sau Như Lai.
Dưới một tán lá bồ đề mé cạnh, Tĩnh Đàn Sứ Giả Trư Bát Giới cũng lúc cúc cúp tai lủi, bụng nghĩ: “Anh ta như chuông khánh còn chẳng ăn ai vì lốt khỉ, huống ta, mảnh chĩnh thối lốt lợn, lười biếng, tham ăn, háu gái, còn bề bề in đậm trong tâm não lũ thường nhân này, thì còn ló mặt ra làm gì. Thôi, đi về tòa sen, làm một giấc ngủ ngày, há chẳng sung sướng tênh tang ơn sao?”.
Thế là chỉ còn mỗi một danh tính Kim Thần La Hán Sa Ngộ Tĩnh.
Lão trượng trưởng đoàn vòng tay:
- Xin cho chúng tôi được gặp người.
Như Lai thoáng cau mày, rồi hiền hòa cất lời:
- Chẳng hay nhà ngươi không biết Sa Tăng là nhân vật nhạt nhẽo nhất trong số bốn thầy trò Tây Du chăng?
- Dạ, chúng con biết rõ như vậy. Nhưng còn biết rõ hơn: Nhạt nhẽo là thuộc tính thứ nhất của Con Người. Đức Chí Tôn thử ngẫm xem: Trong một cuộc huyết chiến, số người chết được ghi đúng họ tên so với số người táng mạng vô danh quả là hạt cát giữa sa mạc. Rồi gộp tất tật những cuộc huyết chiến vì nghĩa cả ấy lại, thì tổng số người chết lại chẳng thấm tháp vào đâu so với người chết vì dịch hạch, vì bão châu chấu, vì sóng thần, động đất, núi lửa, vì các lục địa nứt ra trôi giạt, vì những hố đen trên mặt trời tự nhiên cựa quậy, những đám bụi mặt trời là xuống hay cuộn lên không hề dự báo…Thử hỏi, muôn triệu sinh linh ấy, sau khi tan biến, liệu có để lại chút xíu dư vị hơn một hạt muối. Sa La Hán nhạt nhẽo, tức là đích thị Con Người. Xin Đức Chí Tôn cho phép…
Như Lai chép miệng đĩnh đạc:
- Lão già mồm mép kia, gươi lại không biết cả chặng vạn lý Tây Du, Sa Tăng chỉ suôt suốt gồng gánh?
- Dạ, gồng gánh, vai hằn lên mọi vết bầm vết chai của các sức nặng, là âm bản của nhạt nhẽo. Gồng gánh suốt đời là thuộc tính thứ hai của Con Người. Vả lại, chính các đại đức, thượng tọa thường truyền dạy cho chúng con rằng: “Đứa hài nhi vừa được sinh ra đã có chiếc đòn gánh vô hình nơi vai, và chiếc đòn nọ chỉ rời ra khi nó đã nằm trong quan tài”. Xin Đức Chí Tôn cho chúng tôi được gặp Nhân Sứ Gồng Gánh ấy: Sa La Hán.
Phật Tổ nén một nhịp thở dài, xuất ngôn chiêu cuối cùng:
- Này, lão đầu đàn đáo để, các ngươi mời gọi một kẻ đã từng ăn thịt người… tha thiết đến thế hay sao?
- Dạ, Chúng con biểt rõ và nhớ: Sa Tăng đã từng ăn thịt người. Nhưng chúng con còn biết và nhớ hơn: Khi Người bị vây hãm vào cảnh cùng cực đói khát. Ở cảnh ấy thì đã có biết bao nhiêu kẻ đồng hành ăn thịt nhau! Chồng ăn thịt vợ, mẹ ăn thịt con… Đức Chí Tôn ơi! Đau đớn thay! Có thể ăn thịt người khi đói khát cùng cực cũng lại là một thuộc tính của Con Người.
Chợt không thấy Như Lai đâu nữa. Hào quang, ngũ sắc cũng tan biến…
Và trong ánh sángthường tình, giữa sắc xanh cây lá, cỏ hoa thường tình… Sa Ngộ Tĩnh bước ra, nhập vào đoàn Người, cả bọn kéo nhau vào Lộc Uyển râm mát, quây quần trò chuyện…
*
III. Tống biệt hành.
Đã lại tròn một tuần trăng. Một đêm …
Sa Ngộ Tĩnh đến trước Như Lai, áp hẳn đầu vào vế đùi Ngài, ngước lên, khẩn nài:
- Thống Phụ Chí Tôn… xin người cho con được phế bỏ toàn bộ công lực của một La Hán, hạ sơn, độc cô hành Đông du về lại sông Lưu Sa xưa, làm một người thường chài lưới trên sông nước, chiều chiều thổi một ống tiêu, nhấp một ngụm rượu, nướng con cá nhỏ, và đợi một người đàn bà, lấy vợ sinh con… Sau nữa, thành thường nhân rồi, qua Ngũ Hành Sơn, con sẽ hái được lá dấu gửi về cho Người.
Như Lai thấy nao lòng. Ngài cúi xuống, đặt tay lên vầng trán Sa Ngộ Tĩnh, thầm ban thiện phước, rồi khẽ khàng:
- Thôi, con đi. Cảm ơn con đã nghĩ đến ta. Việc đó nếu tiện, cũng nên làm.
*
Phút giã biệt giữa bốn thầy trò thật là bịn rịn.
Đường Tăng trao tấm Cẩm-Lan-cà-sa:
- Này con, đây là áo khoác đi đường, cuộn lại làm gối, trải ra làm chăn khi ngủ, vải xé băng bó và lau rửa những vết thương…
Ngộ Không tháo vành Kim-cô:
- Xưa, đây là nỗi đau, là sức ép, nó mạnh hơn cả ta. Nay, nỗi đau không còn, nhưng sức mạnh vẫn vẹn nguyên đó, lại thêm vào cả tình anh em của ta. Khá giữ lấy, phòng khi thậm nguy nan.
Bát Giới thót bụng, há miệng, ợ một tiếng, quả nhân sâm hồng tươi nguyên vẹn liền vọt ra:
- Đó, phàm những thứ nuốt chửng, dẫu có được lên ngự trên tòa sen rồi, vẫn không thể tiêu biến. Chú cầm lấy, đừng chê, nhỡ khi lỡ bữa đói lòng…
Sa Nhân Sứ bái tạ thầy và hai anh lần cuối hồi lâu, rồi quay gót thoăn thoắt xuống núi.
Ba thầy trò vẫn đứng mãi, hun hút ngóng theo… thốt nhiên, tất thảy đều rùng mình ớn lạnh, như hơi ấm đã quần bám, đã đi theo từng bước chân người họ Sa xuống dần, xuống dần, tít tắp tận dưới kia - nơi đám bụi vẩn hồng hồng vừa khỏa lấp, vừa thâu nhận thêm một hạt bụi người - Nơi xóm chợ chân núi, xao xác đủ tiếng cho gà, tiếng trâu ngựa, tiếng vẹt yểng… và tiếng Người.
Chỗ thầy trò giã biệt trên núi cao ấy, mãi sau mới có người biết! Có ba pho tượng đá, ba cặp mắt đá, không có con ngươi, nhưng vẫn rõ hướng ngong ngóng dõi theo con đường xuống núi. Nhiều người đem đèn nhang hương hoa đến bái tạ, cầu cúng. Lâu lâu nhận ra rằng: Phàm việc cao khoát quảng đại đều không mấy ứng nghiệm. Có chăng cũng chỉ ang áng lơ mơ. Vận vào bảo đúng bảo sai đều được, Nhưng những thỉnh cầu nhỏ rõ, cấp bách thì thực linh ứng. Ví như: Đói rã, khát lả. Lại ví như: Mất ngủ, lở ngứa, đau đầu, đầy bụng… thì thành tâm lễ khấn trong vòng một tuần nhang cháy trọn ắt đều được như nguyện”  


[1] - Gồm 9 bài viết. Sau đó được tập hợp lại thành quyển sách “Giải Mã Truyện Tây Du” , xuất bản vào tháng 2/1993 và tái bản có sửa chữa và tăng bổ vào tháng 12/2000.
[2] - Nhà văn Hòa Vang đã mất do bị ung thư.
[3] - Từ mục II đến hết là chép nguyên văn phần truyện Nhân Sứ. (nếu có gì sai sót là do lỗi đánh máy)

14 nhận xét:

  1. Em đọc truyện anh Nano chia sẻ, đọc mấy lần mới thấy hay. Và đọc lần hai hay hơn lần đầu. Thú thiệt là thoạt đầu đọc tưởng chuyện hài, nhưng rồi, ngẫm ngẫm,...hài không nỗi nữa.
    một góc nhỏ ngoài lề, dẫu con người phải trải qua vòng - Sinh - Lão - Bệnh - Tửu, phải chịu cảnh sướng khổ... Nhưng em vẫn thích làm con người hơn là...thần tiên tỷ tỷ chi chi đó.

    Sang thăm anh Bobi, chúc anh cùng gia đình một tuần mới thật vui anh nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kiếp sau vẫn thích làm người,
      Còn hơn thông đứng giữa trời mà reo

      Xóa
  2. - Văn học nước nhà một thời có trào lưu “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh, tiếp theo là trào lưu “Bỏ qua thần tượng”, khởi sự là Nguyễn Huy Thiệp và Hòa Vang, tiếc thay tài năng Hòa Vang ra đi sớm quá.
    - Dẫu sao thần tượng Thích ca còn được trưởng lão (cũng là trưởng đoàn) của dân chúng thưa gửi lễ phép. Nhưng với bu thì việc ngài đã từng có vợ con sau đó bỏ hết để tu thành thành Phật không đáng phê phán cho lắm, vì nhận thức là một quá trình, không thể từ bụng mẹ chui ra là thành Phật được. Còn việc chúng sanh dùng nhựa tái sinh, gỗ đá, sắt thép, đất sét, làm tượng ông để thờ cúng là do chúng sinh tự nguyện. Ngài Thích ca có hai biểu hiện đáng chê trách mà nhà văn Hòa Vang bỏ qua:
    * Ông được mẹ sinh ra được 7 ngày tuổi thì mẹ chết, bà dì ruột (vợ hai của bố cũng vừa sinh A nan 7 ngày) phải thuê người nuôi con để nuôi cháu khôn lớn, nhưng khi thành Phật rồi ông bảo đệ tử xa lánh phụ nữ vì nó là thủ phạm sinh ra khổ. Bà dì (mẹ nuôi) khóc lóc xin ông được gia nhập tăng đoàn nhưng ông kiên quyết từ chối. Cho đến khi Anan kêu xin hết lời ông mới đồng ý, từ đó phụ nữ có mặt trong tăng đoàn, có người trở thành Bồ tát. Tuy nhiên ông vẫn nói; Có đàn bà trong tăng đoàn thì đạo của ông giảm thọ đi một nữa. Nhận định này sai vì hiện nay đạo Phật vẫn còn. Chính vì tẩy chay phụ nữ mà kinh Vô lượng thọ, kinh Bi hoa, kinh Địa Tạng … do ông thuyết giảng đều cho là trên cõi tây phương cực lạc người ta sinh ra từ hoa sen, không phải đàn ông, cũng không đàn bà, một thứ người chung chung. Có thể cho là ông vong ân bội nghĩa, sản sinh một thứ người không phải là người bình thường. Phần này không có trong Tây du nên Trưỡng Lão của Hòa Vang không biết mà điểm huyệt… hehehe
    * Ông là Phật nhưng lại có quyền bổ nhiệm nhân viên dưới quyền như vua chúa, đấy là việc ông sướng lên phong cho chú khỉ làm Đấu chiến
    Thắng Phật. Phật không phải là thứ để phong, bản thân ông có có ai phong là Phật mà ông tự nhận đấy thôi.
    - Thần tượng Đường Tăng chỉ cần trẻ con hạ bệ là đủ. Sếp này quá đần độn, dát gan, lâu lâu lại đọc thần chú cho vòng kim cô xiết vào đầu Ngộ Không. Sa tăng mất ngủ vì nghỉ ông này là siêu yêu ma quỷ quái quá đúng luôn.
    - Bác Nano Bobi đưa lên bài này hay lắm, nó có cái để mà suy nghỉ, để mà tranh luận, và để mà thấy được dân nam ta khốn nạn khốn khổ vì tôn sùng thần tượng. Có người ngán ngẩm không muốn tôn nữa cũng không được, người ta mặc định rồi,. Anh không tôn sùng, không tung hô thì mời vào nhà đá ….huhuhu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu trách nhẹ nhà văn Hòa Vang không phê phán Phật Tổ quan tâm đến sự bình đẳng của giới nữ thì cũng đúng rồi, nhưng là bác Bu đã có độ lùi mấy nghìn năm để suy ngẫm. NaNo cho răng HV đã có thái độ đồng cảm với Phật Tổ về điều này để tôn trọng bối cảnh lịch sử lúc Phật Tổ xuất thế. Đạo Phật thoát ra từ Đao Bà La Môn. Xã hội thời ấy ở Ấn Độ coi phụ nữ có ra gì đâu. Dù Phật Tổ có tiến bộ bao nhiêu thì cũng phải lựa hoàn cảnh cụ thể, và cách đi cũng phải theo một lộ trình hợp lý để không bị xã hội phản bài bác, và không loại trừ có thể bị sát hại. Sau hàng ngàn năm, bây giờ Ân Độ vẫn coi phụ nữ như nô lệ. Sau này, khi có điều kiện Phật Tổ đã chấp nhận phụ nữ trong các tăng đòan là quá tuyệt rồi, hihi

      Xóa
    2. Bu tui đọc rất nhiều lần đoạn ông trưởng lão đối thoại với đức Phật và thấy lý lẽ của ông này từ chối đức Phật là Nhân sứ kém phần thuyết phục. Còn nếu ông già kia nói thêm (ví dụ)
      - Ngài do người phụ nữ sinh ra nhưng hởi ôi phụ nữ bị tuyệt diệt trong các thế giới của ngài. Ngài lại tạo ra một giống người không nam không nữ có khác chi quái thai?
      - Làm Phật như ngài là do tu hành và ngộ được tam minh, vậy sao ngài lại đi phong phật cho chú khí Tôn Ngộ Không cứ như bổ nhiệm chức vụ vậy.
      Chuyện của Hòa Vang quá hay, nhưng nhà văn chỉ dựa chủ yếu vào Tây du ký, chứ không đi sâu vào triết lý đạo Phật.
      Bu tui bảo " Ngài Thích ca có hai biểu hiện đáng chê trách mà nhà văn Hòa Vang bỏ qua". Bỏ qua thì chưa hẳn là Hòa Vang không biết về ông Thích ca mà có lẽ nhà văn muốn tập trung vào ông Đường Tăng qua lời lẽ bọn trẻ con để sự phá bỏ thần tượng có đỉnh cao, có cao trào...Ấy là bu tui đoán thế.

      Xóa
    3. Bulukhin Nguyễn mình có thể xin thông tin để liên lạc vs bạn đc ko ? Mình rất cần vài lời nhận xét của bạn về tác phẩm nhân sứ

      Xóa
  3. Xem ra cái kiếp người khổ là thế, mà lại là cái kiếp hay ho nhất trong muôn vàn kiếp chúng sinh, chỉ có con người là đời sống phong phú nhất, đủ mọi thứ chuyện trên đời.
    Tôi tìm thấy nơi Đạo Phật một triết lý sống hơn là một Tôn giáo. Đức Phật đi tìm cái "bình an trần thế", ngay trong kiếp sống của Ngài, và Ngài đạt đến Giác Ngộ (tạm gọi là bình an, hoan lạc...), ngay lúc Ngài đang sống, chứ không phải sau khi chết để đến một nơi chốn xa xôi nào (chẳng hạn cõi Tịnh Độ...). Sau khi chết thì Trời ạ, có ai thực biết là Thần thức hay Linh hồn sẽ đi đâu không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kiếp người khổ là đúng rồi, giàu cũng thể mà nghèo cũng thế. Nếu tự xác định một triết lý sống đúng mực thì cuộc sống sẽ bình an hơn. (dù là tương đối). Các loại kinh của tôn giáo nói chung đều có tính nhân văn (trừ kinh chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp...), nhưng trong cuộc chỉ cần có đức tin là đủ. Không đức tin mà lại thích dẫn ra các lời răn dạy trong các loại kinh thành thì chỉ là giả tạo. Hiện nay có thể khẳng định những vị quan chức hay nói đến tư tưởng HCM thì chắc cũng gần như 100% những người đó không tin những điều mình đang rao giảng đó.

      Xóa
    2. Hòa Vang làm cho người đọc day dứt, dằn vặt, quay đi trở lại, lật lên đặt xuống cái định nghĩa về con người. Con người là gì, muốn làm người thì con người phải sống ra sao giữa loài người. Các học gỉa tiền bối như Khổng- Mạnh, Lão -Trang, Mô ha mét. Giê su. Thích ca, Mác Lê, Mao Hồ...đều dạy dỗ con người cách làm người. Tiếc thay càng về sau con người càng tệ hại....

      Xóa
    3. Ông Hồ dạy rằng muốn xây dựng CNXH thì phải có con người XHCN (tình thần có trước vật chất có sau), nhưng đến nay vẫn chưa tìm được con người nào là con người XHCN cả.

      Xóa
    4. Đó là triết lí "con kiến mà leo cành đa..."

      Xóa
  4. Chuyen hay qua bac a.Em thay trong chuyen nay nguoi nhat nheo nhat chinh la duong tang chu khong phai la sa ngo tinh. Du co kho may kiep sau em cung mong duoc lam nguoi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hai chị em Thu Thủy và Võ Đan Thùy sao mà giống nhau thế: Kiếp sau vẫn quyết tâm là người.
      BoBi tôi cũng quyết tâm như vậy. Thế là vui rồi. Đủ ba người là có thể làm lễ "Kết nghĩa vườn đào" rồi. hihi.

      Xóa

    2. Bộ ba xe pháo mã
      Bộ ba Thiên Địa Nhân
      Bộ ba kiềng ba chân
      Bộ ba thế chân vạc
      Bu tui
      chúc mừng
      Các bác


      Xóa

Flags

Flag Counter