Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

TRIỂN LÃM THƯ PHÁP



TRIỂN LÃM THƯ PHÁP

Thường thì gần Tết Nguyên Đán, các nhà Thư pháp tân cổ giao duyên mới lục tục kéo về ngồi bên ngoài bức tường Văn Miếu, bày mực tầu, giấy đỏ để bán chữ. Nhưng bỗng tháng 5 năm nay tại Văn Miếu lại có một cuộc “Triển lãm Thư pháp thơ chữ Hán của chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tiêu đề của Triển lãm gây cảm giác chẳng thú vị gì. Lâu nay mỗi lần đâu đó tổ chức các sự kiện có gắn thêm tên Chủ tịch Hồ Chí Minh thường bị dị nghị mang tính chất cơ hội: Hoặc là đầu cơ chính trị, hoặc là dễ xin kinh phí, giống như năm trước BoBi tôi đi xem “Hội Thơ Lục Bát” thấy cũng có một cảnh hoành tráng diễn viên vào vai Hồ Chủ Tịch bước lên sân khấu giả giọng Nghệ, căn dặn dăm câu đạo lý rồi cùng vỗ tay với các diễn viên khác hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (Đạo diễn của Hữu Thỉnh).

 (Diễn viên vào vai HCM đang vỗ tay cùng hát bài "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng)

 Nghĩ vậy, nhưng BoBi tôi vẫn đi xem triển lãm. Đây là triển lãm của các nhà thư pháp trẻ. Lượn quanh một vòng thấy rất ít người xem, chỉ khoảng độ một chục người. Trong nhà, trước máy quay, một người đang trả lời phỏng vấn. Nội dung câu hỏi và trả lời chẳng ăn nhập gì đến thư pháp đẹp xấu hay rồng bay phượng múa mà chỉ là ca ngợi công lao, đạo đức Hồ Chủ Tịch.

 
 (đang phỏng vấn)

Ngoài sân, trời nắng gắt, dăm người hâm hấp như mình đứng xem. Đủ loại các bức thư pháp to nhỏ, dài ngắn khác nhau dựng khắp sân. Một cậu thanh niên quần bò áo sơ mi trông thiên về hip-hop nhiều hơn là nho nhã, tự giới thiệu là nhà thư pháp trẻ (mình không hỏi tên) và là người chịu trách nhiệm chính về nội dung của triển lãm này. Rồi tỏ ra là uyên thâm, sôi nổi thuyết minh về Thư pháp và ý nghĩa của Triển lãm. Chất giọng và ngữ điệu như đang thuyết minh cho những người mù chữ từ Mù Cang Chải về xuôi. Mình và mọi người đứng nghe chăm chú, rồi minh có cuộc trao đổi nhỏ với diễn giả ngay tại trận:

-         Cái biển màu đỏ với tiêu đề: “Triển lãm Thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là sai (!)

-         Sai sao ạ

-         Ở đây là các cậu viết (thủ bút của các cậu) chứ không phải Hồ Chủ Tịch viết.

-         Thôi chết rồi, chúng cháu nhầm.

-         Các cậu nên bỏ ngay cái biển đó. Cũng nói thêm rằng từ xưa đến nay Nhà nước ta chưa bao giờ công bố bút tích các bài thơ chữ Hán của Hồ Chủ Tịch, mặc dầu thường hay nhắc đến “Nhật Ký Trong Tù”. Lý do thì không thể biết được.

-         Dạ cháu biết ạ.

-         Cậu là chủ xịn ở đây, vừa rồi cậu thuyết minh về Thư Pháp, nghe rất sáng dạ, vậy xin hỏi.

-         Bác cứ hỏi.

-         Tại sao rất nhiều các bức thư pháp không có “lạc khoản” và tất nhiên là không có “thượng khoản” và “hạ khoản”.

-         Dạ, chắc tác giả quên không đề.


 (Những bức thư pháp không có lạc khoản)

-         Có những bức gọi là thư pháp nhưng thực chất là các cậu lấy “ấn chương” (triện) đóng chi chít tạo thành một chữ theo ý muốn. Vậy bút lông để làm gì. Giả sử nếu không dùng ấn chương mà dùng con dấu của cơ quan đóng vào có tạo thành bức thư pháp như các cậu nghĩ không ?

-         (Không trả lời được)

-         Cậu thử đọc chữ mấy bức thư pháp màu đỏ (đóng ấn chương) này là chữ gì?

-         Không phải của cháu nên cháu không đọc được. (gãi đầu)




 (Gọi là thư pháp nhưng không dùng bút lông, mực tàu mà dùng dấu triện đóng chi chít tạo thành chữ)
 -         Cám ơn cậu vì cuộc nói chuyện này.

Chỉ nửa tiếng đứng xem và trao đổi mà BoBi tôi đã toát mồ hôi hột do nắng và cũng do phải tiếp xúc với nhà Thư pháp trẻ. Hềhề  

16 nhận xét:

  1. Em không biết là ai đang toát mồ hôi hột nữa. Anh Nano hay cậu trai trẻ? Mà em nghĩ chắc ...cậu trai đó trưa nay về hết ăn cơm lun vì gặp phải cao thủ. Hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Các nhà thư pháp trẻ chẳng toát mồ hôi đâu, vì lúc nào cũng tự sướng, hihi

      Xóa
  2. Khổ nhỉ! Những chỗ tưởng thanh cao vẫn có bắng nhắng vậy hở bác!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những chỗ thanh cao nữa còn bắng nhắng, chứ ở Văn Miếu chưa là gì. Xã hội bây giờ nó vậy, Cái nước VN mình nó thế, huhu

      Xóa
  3. "Nhưng bỗng tháng 5 năm nay tại Văn Miếu lại có một cuộc “Triển lãm Thư pháp thơ chữ Hán của chủ tịch Hồ Chí Minh”. Trời, lại có cái của quỷ này ở ngay tại Văn Miếu thủ đô "Ngàn năm văn vật" sao bác BoBi? Nếu bác không viết thì tôi sẽ chẳng bao giờ tin nó lại như thế. Đọc cái biển đỏ của tấm hình đầu tiên tôi nghĩ "Ủa cụ Hồ có viết thư pháp chữ Hán thành thơ bao giờ không nhỉ?", đến khi coi tiếp mới hay mấy cái ông "thư pháp da" trẻ trẻ viết và làm nhăng nhít để gọi là "Thư pháp thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh".

    Chưa bao giờ xã hội nói chung và chữ nghĩa nói riêng lại xuống cấp đến như thế. Văn Miếu ơi là Văn Miếu :-(((((

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày Tết đến Văn Miếu xem các anh đồ, ông đồ ,cậu đồ bán chữ thì có nhiều điều đáng bàn. Từ lâu BoBi tôi định viết một bài về thư pháp Văn Miếu, nhưng lười quá, chưa viết được. Vợ bảo, lười như anh cũng là quý hiếm, thuộc dạng sách đỏ. hihi.

      Xóa
  4. 1- Ở cái đất nước CHXHCNVN này mọi giá trị tình thần và vật chất bị đảo lộn hết thảy trong đó có thư pháp. Cái anh chàng ăn mặc theo lối tân cổ giao duyên nào đó là “thư pháp gia” nhưng không hiểu gì về Thượng khoản, Hạ khoản, Ấn chương… cũng không có chi lạ. Riêng thượng khoản người ta giảng giải 2 trang sách, Hạ khoản 4 trang, đọc còn chưa hiểu hết huống là không đọc thì làm sao trả lời bác Nano Bobi được. Cổ nhân có câu “Học hải vô nhai” tức “Biển học mênh mông không bến bờ”, cho nên phải có sách để học thường xuyên.
    2- Nhà thư pháp nổi tiếng xứ ta Lê Xuân Hòa có viết cho bu tui đôi câu đối (có hình kèm theo) theo dạng “Đối liên”, không có Thượng khoản chỉ có hạ khoản, và hạ khoản ông lại viết trong hai tờ. Trong khi đó quy định hạ khoản gồm: thời gian, địa điểm, tính danh (biệt hiệu + khiêm từ) tất cả viết một lèo. Trong trường hợp câu đối nhà bu chiều cao gấp nhiều lần chiều rộng thì phân hạ khoản ra hai tờ là phải. Nếu việt trong một tờ thì tờ kia trống rổng trông không đăng đối.
    Cụ thể là bên phải cụ Hòa viết trong vế phải:
    *Hà Nội nhị thiên linh nhất niên tuế thứ tân tỵ niên hạ nguyệt
    Trong vế trái
    * Thanh Hoằng Khê Lê xuân Hòa thư

    [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/IMG_5573_zps8a8fe73e.jpg[/IMG]

    Trả lờiXóa
  5. Đính chính: câu thứ 4 dưới lên thừa ra 4 chứ "Trong vế phải"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1. Một là Thư pháp không có đính chính, hềhề.
      2. Hai là Thư pháp của cụ Lê Xuân Hòa thì không chê vào đâu được. Nét chữ cũng giống như cốt cách của cụ vậy. Thủ bút này có giá trị lâu dài, vì cụ Hòa đã mất mấy năm rồi. Đến nay Hà Nội (có thể là toàn quốc) chưa có ai viết đẹp được như cụ.
      Lạc khoản của cụ Lê Xuân Hòa đề tại câu đối trên là phải đạo, vì đấy không pjhải là câu đối do cụ Hòa nghĩ ra và cho chữ mà cụ chỉ viết lại câu đối cũ của gia đình bác Bu trước đây: Với nội dung
      "Chu biên quốc trọng thân hầu mệnh
      Đường bảng gia truyền liễu tử danh" thì chỉ có thể là lời khen tặng của bậc vĩ nhân cho gia đình bác Bu chứ không thể là lời của cụ Hòa được. Chúc mừng

      Xóa
    2. Cái ông anh của bu ngoài Hà Nội sở hữu đôi câu đối này bằng gỗ sơn son thếp vàng, nghe bảo ông bác bu viết chữ , ông bố bu chạm khắc..cho đến nay các cụ quy tiên hết, ông giáo sư Tây học nọ chưa hiểu được Thân hầu mệnh và Liễu tử danh là gì. Không có dịp ra Hà Nội để bàn thảo với ông ấy, mà có bàn thảo thì ông ta có thể cho là chú em biết gì toàn nói tào lao. Hhuhu ...ông 87 cái lá vàn rơi rồi, thôi để cho ông về gặp các cụ giải thích cho vậy ...

      Xóa
  6. 1- Chưa thấy anh blog nào keo kiệt như blogspot, không cho người ta sửa sai lại còn tố cáo: nhận xét này đã bị tác giả xóa. Dẫu sao cũng cảm ơn nó cho ta chơi miển phí, không có nó thì buồn biết bao nhiêu.
    2- Bu tui muốn nói thêm vài dòng về thư pháp tiếng Việt. Đây là một sự bôi bác thư pháp, không hiểu thư pháp là gì. Người ta có thể viết như hiện nay để bán, để kiếm sống, gọi nó là gì cũng được, có thể là thư họa...nhưng đừng gọi là thư pháp. Trong mục nói về THƯ THỂ của sách dạy viết thư pháp có nói: "Thư pháp lấy chữ Hán làm lý do tồn tại bởi vì không có chữ Hán thì không có thư pháp." Vậy, tiếng Việt lấy lí do gì để gọi nó là thư pháp. Viết chữ XÃ bằng tiếng Việt treo lên người báo cha này điên. Nhưng chữ xã có bộ kỳ bên cạnh chữ thổ là một bức tranh có nội dung nhân văn vô cùng thâm diệu. Đồng Hới là một xứ nghèo nàn quê mùa nhưng một tết nọ nhà sách gần chợ ga bày bán chữ Xã, cô bán hàng không biết nó là gì, bu tui thấy cô nàng dễ thương thì thuyết minh hộ, chả mấy chốc mà vài chục chữ XÃ bán hết vèo. Xem ra cái xứ nhà quê ấy có văn hóa lắm. Không khéo bu tui lấy cảm hứng từ vụ Triển làm thư pháp này của bác Nano Bobi để viết một bài chăng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô bán hàng mà trông dễ thương thì cũng dễ nhầm là bà xã (vì cũng có chữ xã), hề hề.

      Xóa
  7. Nhờ bác NANO thẩm định xem chữ này hợp chuẩn thư pháp không ( Trong câu:" Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" của Cao Bá Quát). Dù kết quả thẩm định của Bác có thế nào thì thư pháp này cũng chỉ treo được luẩn quẩn đâu đó trong nhà Ruchung tôi thôi, còn đem bày ở Văn miếu e rằng... lộng ngôn Bác ạ.

    http://blog.yimg.com/1/jPa0ZH17s58W5m38mpjwWXL5i.jWJBxJCnU0UlabA52LpNipxEoYnQ--/7/l/O.vZ4BPjkEizMZveaFCB5g.jpg

    Trả lờiXóa
  8. Nhờ bác NANO thẩm định xem chữ này hợp chuẩn thư pháp không ( Trong câu:" Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" của Cao Bá Quát). Dù kết quả thẩm định của Bác có thế nào thì thư pháp này cũng chỉ treo được luẩn quẩn đâu đó trong nhà Ruchung tôi thôi, còn đem bày ở Văn miếu e rằng... lộng ngôn Bác ạ.

    [img] http://blog.yimg.com/1/jPa0ZH17s58W5m38mpjwWXL5i.jWJBxJCnU0UlabA52LpNipxEoYnQ--/7/l/O.vZ4BPjkEizMZveaFCB5g.jpg [/img]

    Trả lờiXóa
  9. Bàn về thư pháp thì em dốt đặc nên chẳng biết còm men gì! Hình dung khuôn mặt cậu bé ngỡ ngàng khi gặp một ông khách cao thủ đến xem thư pháp, lúc ấy mà chụp ảnh chắc là có được một bức ảnh sinh động!

    Chúc bác và gia đình cuối tuần vui, Xuân đã về đến ngõ rồi !

    Trả lờiXóa
  10. Chép của Bác
    [img]http://3.bp.blogspot.com/-ySFaGOEDCtY/UrpE2lT0D3I/AAAAAAAAAfQ/4l1skxFjfTA/s400/%E1%BA%A2nh+1+-+Tr%E1%BA%A3+l%E1%BB%9Di+ph%E1%BB%8Fng+v%E1%BA%A5n.JPG [/img]

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter